Hà Nội: Đại biểu HĐND hoài nghi cách điều hành của TP
Hà Nội: Đại biểu HĐND hoài nghi cách điều hành của TP
Thảo luận tại tổ chiều 10/7, nhiều ĐB HĐND thành phố Hà Nội hoài nghi tính chính xác của con số này.
ĐB Mai Phạm Thị Thanh Mai – ban kinh tế ngân sách HĐND TP Hà Nội nêu vấn đề: trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp dừng, giải thể nhiều nhưng thành phố báo cáo vẫn tạo việc làm mới cho trên 72,6 nghìn lao động. Sở LĐTB&XH tính toán thống kê dựa trên cơ sở nào? Thế nào được coi là giải quyết việc làm mới?
ĐB Mai cho biết theo điều tra mẫu của Cục Thống kê trên 900 doanh nghiệp cho thấy số lượng người lao động mất việc làm rất lớn. Ngược lại số lao động được tạo việc làm mới không cao. Thực tế đó, ĐB Mai tỏ ra băn khoăn và đề nghị UBND cần phân tích kỹ hơn nữa về con số việc làm mới đã công bố.
Doanh nghiệp khó khăn, người lao động thất nghiệp ngày một gia tăng. Ảnh minh họa |
ĐB Nguyễn Hoài Nam – Trưởng ban Pháp chế HĐND cũng băn khoăn, liệu thành phố đã đánh giá chính xác sức khỏe của doanh nghiệp chưa? Trong khi doanh nghiệp thiếu vốn thì ngân hàng lại bảo toàn vốn. Mặc dù được tiếng hỗ trợ từ thành phố nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với mức lãi suất 17 - 18%. Bên cạnh đó tiền thành phố hỗ trợ cho doanh nghiệp lại giải ngân rất ít.
Chia sẻ về cách thống kê số lượng người lao động có việc làm mới, ĐB Nam phản ánh, địa phương thường thống kê vào báo cáo số liệu cập nhật theo số cộng. Tại các địa phương, người lao động phải đi xin tờ đơn xác nhận ba bốn lần cũng chưa xin được việc làm. Nhưng trường hợp như vậy, các địa phương vẫn thống kê đã có việc làm.
“Thành phố phải bắt bệnh chuẩn để cho thuốc đúng liều mới khỏe lên được. Giúp doanh nghiệp lúc này cũng chính là giúp chúng ta” – ông Nam nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề việc làm với người lao động, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Lan Hương cho rằng, khi hàng loạt cơ sở sản xuất di dời ra nội đô, nhiều người lao động không đi cùng và chấp nhận mất việc làm. Bà Hương phân tích, di các cơ sở di chuyển đến địa điểm khác khiến cuộc sống của người lao động bị đảo lộn, việc học hành của con cái gặp nhiều khó khăn.
Bà Hương dẫn dụ ở quận Hai Bà Trưng, doanh nghiệp di dời ra ngoài nhiều, nhưng phải đến 50% lao động nhận tiền hỗ trợ và xin thôi việc. Từ đó người lao động sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chẳng khác gì người có đất nhận tiền đền bù nhưng không có việc làm. Những hệ quả phát sinh khi người lao động không có việc làm, địa phương phải gánh chịu.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội Nguyễn Đình Dương đánh giá cái được của Hà Nội là lạm phát đã giảm dần, ngân sách được cân đối. Chỉ trong vòng ba năm nhưng ngân sách đã tăng gấp ba lần, đó là thành quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên ông Dương cũng cho rằng, những khó khăn về kinh tế của năm nay sẽ không ít. Đây là những khó khăn rất đặc thù của một thành phố lớn. Điển hình mảng nông nghiệp ở Hà Nội đã tăng trưởng âm trong sáu tháng đầu năm 2012. Nguyên nhân thực trạng này chủ yếu do cây trồng chủ lực giảm, giá đầu vào tăng cao. Ngoài ra, đời sống doanh nghiệp cũng còn không ít khó khăn, nợ xấu ngân hàng tăng, giá một số mặt hàng thiết yếu cũng tăng cao. Điều này chứng tỏ cách điều hành yếu kém của thành phố.
“Nhiều khả năng những tháng còn lại của năm sẽ khó khăn hơn so với sáu tháng đầu năm. Kịch bản khả quan nhất trong cả năm 2012, mức tối đa thành phố có thể đạt mục tiêu 8 – 9% tăng trưởng kinh tế, chỉ số CPI có thể giảm xuống 6 – 7%. Nhưng đây không phải là tín hiệu tích cực mà thể hiện sự yếu kém của quản lý” – ông Dương nhận định.
Hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực doanh nghiệp, ĐB Nguyễn Hữu Thắng – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) khẳng định: vốn là vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp lúc này. Ngân hàng mặc dù không thiếu vốn nhưng lại không dám cho doanh nghiệp vay. Ngược lại những doanh nghiệp làm ăn chắc chắn cũng không dám vay vì sợ làm ăn không có lãi.
Một khó khăn khác doanh nghiệp đang phải đối mặt là tình trạng giá đầu vào có chiều hướng tăng với hàng loạt các chi phí, lương đồng loạt tăng, trong khi đầu ra lại suy giảm. “Làm thế nào để giảm giá thành sản phẩm theo hướng có lợi cho người tiêu dùng, nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp không thiệt thòi? Lúc này doanh nghiệp và người dân cần sự ra tay của nhà nước” – ông Thắng kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, ĐB Nguyễn Thị Quỳnh Anh, phản ánh tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân tại các tòa nhà gần đây. Cư dân gửi nhiều văn bản lên thành phố, nhưng chẳng có hồi âm. Trong khi doanh nghiệp gửi văn bản thì thành phố lại trả lời rất nhanh và theo hướng có lợi cho họ.
“Ở thủ đô, vị trí tòa nhà chung cư rất quan trọng. Nếu không giải quyết được mâu thuẫn thì rất mệt mỏi, người dân mất niềm tin. Vậy trách nhiệm của thành phố đến đâu?” – ĐB Quỳnh Anh nêu vấn đề.
Nguyễn Dũng