Hà Nội có thể hỗ trợ nông nghiệp 3000 tỷ đồng/năm
Hà Nội có thể hỗ trợ nông nghiệp 3000 tỷ đồng/năm
Trong buổi sáng ngày làm việc thứ hai (4/4), những vấn đề được các đại biểu HĐND TP Hà Nội quan tâm nhất là chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, cơ sở chế biến gia súc và việc dồn điền đổi thửa.
ĐB huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong cho rằng, nông nghiệp đang phải phục vụ cho cuộc sống của 4 triệu dân. Nhưng trên thực tế mức đầu tư hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đề ra.
ĐB Phong băn khoăn với lượng kinh phí như thế, thành phố sẽ phải đầu tư vào lĩnh vực nào cho hiệu quả? ĐB Phong kiến nghị hàng năm thành phố cần tách ra từng danh mục đầu tư, trong đó phải ưu tiên những lĩnh vực đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp.
Cùng quan tâm đến vấn đề sản xuất nông nghiệp, ĐB huyện Từ Liêm Nguyễn Hữu Thắng cho biết, hiện các nước được hỗ trợ 5% sản phẩm nông nghiệp. Riêng châu Á mức hỗ trợ lên đến 10%. Dựa vào con số này, Hà Nội có thể hỗ trợ cho nông nghiệp 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Vấn đề nông nghiệp và hỗ trợ nông nghiệp được nhiều ĐB quan tâm trong ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XIV. Ảnh LD |
“Chúng ta đang thiếu cơ sở sản xuất hàng hóa. Làm thế nào để có cơ sở lớn đáp ứng được nhu cầu? Đặc biệt rau sạch chỗ nào cũng thấy nhưng kiểm soát thì rất khó khăn. Ngoài ra nông sản sản xuất ra không có nơi tiêu thụ. Thành phố đã khuyến khích phát triển sản xuất rồi thì phải giải quyết đầu ra cho nông nghiệp” – ĐB Thắng nêu vấn đề.
Đề cập về vấn đề chế biến nông sản, ĐB Nguyễn Duy Hồng, huyện Hoài Đức đề nghị UBND TP ban hành danh mục cụ thể cho ngành chế biến trong lĩnh vực rau, củ, quả. Trên cơ sở đó xác định lĩnh lực nào cần ưu tiên đầu tư. Ngoài ra TP cần khuyến khích cho doanh nghiệp chế biến sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngược lại việc sơ chế đang gặp nhiều khó khăn trong xử lý môi trường, vì thế cần loại bỏ.
Theo ĐB Lê Hà (Thanh Oai), từ năm 2009 UBND thành phố đã có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ gia súc gia cầm. Tuy nhiên quá trình giám sát các cơ sở giết mổ để hỗ trợ gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử ở huyện Thanh Oai, số hộ giết mổ gia súc gia cầm rất nhiều, để kiểm soát từng cơ sở, từng con gia súc để hỗ trợ rất khó. Bà Hà kiến nghị thành phố cần thực hiện cơ chế hỗ trợ trực tiếp vào chi phí điện, nước, công tác vệ sinh môi trường. Làm như vậy sẽ dễ dàng kiểm soát hơn.
Ông Nguyễn Văn Xuyên, ĐB Ứng Hòa thì nhận định, nếu chỉ quy định đối tượng, điều kiện, phương thức hỗ trợ… sẽ có nhiều khó khăn. Như việc dồn điền đổi thửa đến nay thành phố mới chỉ thực hiện được 20% diện tích. Vậy số diện tích đã dồn điền đổi thửa có được hưởng chính sách hỗ trợ không? Bên cạnh đó, 80% diện tích còn lại có được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định hay không? Ông Hòa kiến nghị cần bổ sung và giao cho UBND TP hướng dẫn mức hỗ trợ cụ thể.
ĐB Nguyễn Thị Như Mai cũng tỏ ra đồng tình với cơ chế hỗ trợ nông nghiệp, nhất là cơ sở giết mổ gia súc gia cầm để đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Theo bà Mai, vấn đề cần làm rõ hiện nay là phân biệt cơ sở giết mổ tập trung và bán tập trung. Vấn đề này cần giao cho UBND TP làm rõ. Nhưng về lâu dài, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hiện nay thì thành phố nên có cơ chế chính sách ưu tiên cơ sở giết mổ tập trung hơn loại cơ sở bán tập trung.
Đối với việc giám sát hỗ trợ, ĐB Mai cũng tỏ ra băn khoăn, nếu giao cho cán bộ thú y và cán bộ xã giám sát thì việc hỗ trợ sẽ không hiệu quả, từ đó phát sinh tiêu cực. “Tôi cho rằng cần giao UBND TP quy định về việc hỗ trợ cụ thể. Mặt khác gia súc khi đưa vào cơ sở giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng” – bà Mai kiến nghị.
Giải trình về những ý kiến đưa ra của các ĐB, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt lý giải, ngay cả đến những cơ sở chế biến gia súc dù đầu tư khá hiện đại nhưng lại làm việc không hết công suất. Nếu chỉ hỗ trợ đầu vào mà không hỗ trợ đầu ra thì các cơ sở chế biến sẽ gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ sản phẩm. Vì thế TP đã khuyến khích đầu ra để thu hút vào cơ sở giết mổ tập trung. Tất nhiên việc hỗ trợ phải quy định chặt chẽ về mặt hóa đơn chứng từ của các cơ sở giết mổ.
Bên cạnh đó các cơ sở chế biến nông sản cũng đang được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của TP, như ưu đãi đất đai, vận tải hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa, lãi suất...
Đối với việc dồn điền đổi thửa, ông Việt cho biết, những nơi đã làm rồi thì thôi, còn chưa làm sẽ tiếp tục hỗ trợ. Tuy nhiên vì liên quan đến ngân sách nên việc hỗ trợ dồn điền đổi thửa không thể làm đồng loạt. Sau này TP sẽ giao chỉ tiêu cho các huyện, từ đó các huyện sẽ lựa chọn từng khu vực để lần lượt thực hiện dồn điền đổi thửa.
Nguyễn Dũng