Hà Nội chậm phân làn nửa năm do... thời tiết
Hà Nội chậm phân làn nửa năm do... thời tiết
Trước thực tế đó, lãnh đạo Hà Nội đã “thúc” Sở GTVT tiếp tục triển khai kế hoạch phân làn trong thời gian tới.
Kế hoạch phân làn ở Hà Nội bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 10/2011. 5 tuyến phố đầu tiên được sở GTVT Hà Nội lựa chọn triển khai là: Tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Kim Liên – Xã Đàn; Tuyến Giải Phóng – Đại Cồ Việt; Phố Huế - Hàng Bài và tuyến phố Bà Triệu.
Những ngày đầu thực hiện triển khai phân làn, lực lượng thanh tra giao thông ra quân khá rầm rộ. Tại các ngã tư trọng yếu đều bố trí lực lượng đứng phân làn, nên người điều khiển phương tiện cũng ý thức hơn khi tham gia giao thông.
Có mặt thanh tra giao thông, nhưng làn nào cũng vẫn lộn xộn |
Nhưng sau một thời gian triển khai, việc phân làn đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Nhiều ý kiến cho rằng, phân làn bằng giải phân cách cứng không khoa học đã nảy sinh nhiều bất cập, điển hình là tai nạn giao thông rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó việc phân làn còn lộn xộn, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.
Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là khi phân làn, các phương tiện tham gia giao thông đã ý thức hơn, phương tiện đi lại đúng luồng, đúng tuyến khiến tình trạng ùn tắc cũng được giảm thiểu đáng kể.
Từ những kết quả ban đầu, Sở GTVT lên kế hoạch tiếp tục phân làn trên nhiều tuyến phố. Nhưng kế hoạch phân làn liên tục đổ bể. Điển hình nhất là tuyến đường Nguyễn Trãi, Hà Đông trước đó đã lên kế hoạch phân làn tới vài ba lần nhưng đều không thực hiện được.
Giải thích lý do chậm chễ phân làn, ông Nguyễn Xuân Tân cho rằng, do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường nên không thể tổ chức kẻ vạch sơn, cắm biển mốc phân làn…
Thời tiết mưa nắng thất thường cũng là chuyện hết sức bình thường. Nhưng vì lý do thời tiết mà việc phân làn đình hoãn trong nửa năm trời thì đúng là một điều bất thường.
Góp phần giảm ùn tắc trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở GTVT tiếp tục duy trì phân làn tại 5 tuyến phố đã thực hiện, đồng thời triển khai thêm các tuyến phố mới tại các tuyến đường Hoàng Quốc Việt; Yên Phụ - Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải – Trần Khánh Dư và tuyến Kim Mã - Nguyễn Thái Học.
Đặc biệt trên cây cầu Vĩnh Tuy, ngay trong tháng 5 này Sở GTVT phải tiến hành phân tách dòng phương tiện để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Tại khu vực cửa ngõ thủ đô, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu cắm biển phân luồng để hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ và tuyến Quốc lộ 1A. Tiếp tục thực hiện lệnh cấm xe tải hoạt động ban ngày, xe taxi hoạt động trong giờ cao điềm tại những nút giao trọng yếu đi vào trung tâm thành phố như: đường Láng Hạ, Tây Sơn, Chùa Bộc, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng...
Phó giám đốc Sở GTVT Nguyễn Xuân Tân cũng thừa nhận việc phân làn sẽ hiệu quả hơn nếu có lực lượng thanh tra giao thông. Nhưng theo ông Tân, do lực lượng thanh tra mỏng, lại kiêm quá nhiều việc nên mỗi tuyến đường phân làn chỉ có thể bố trí được một chiến sĩ làm nhiệm vụ.
Trước đó, trao đổi với phóng viên infonet, TS Khuất Việt Hùng, chuyên gia giao thông cho rằng việc phân làn đường không “đúng bài” nên đã không mang lại hiệu quả. Theo ông Hùng để việc phân làn có hiệu quả phải tạo ra những tuyến đường thông mình, từ đó người dân sẽ tự túc đi vào làn đường dành cho mình mà không cần phải có lực lượng thanh tra giao thông.
Dù rất khó thực hiện và đạt kết quả như mong muốn, nhưng lãnh đạo Sở GTVT vẫn bày tỏ quyết tâm thực hiện nhằm nâng cao ý thức của người dân, góp phần giảm nguy cơ ùn tắc trên địa bàn thủ đô.
Người dân và dư luận thì hi vọng việc phân làn giao thông sẽ không bị rơi vào quên lãng như một thời gian dài trước đây.
Nguyễn Dũng