Hà Nội: 100% bể bơi vi phạm quy định đảm bảo an toàn
Theo đó, Thông tư 02 của Bộ VH-TT&DL quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi lặn thì một phần nội dung quản lý về y tế do ngành y tế đảm trách, việc cấp phép hoạt động lại do ngành văn hóa, thể thao – du lịch đảm nhiệm.
Đây chính là điều khiến cho việc giám sát chất lượng nước gặp không ít khó khăn. Một cán bộ trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, do Sở đơn vị cấp phép hoạt động khá dễ dàng nên nhiều lúc chính những cán bộ y tế đi kiểm tra cũng bị cơ sở quản lý bể bơi phản ứng. Họ cho rằng, đơn vị cấp phép đã thẩm định rồi giờ lại thêm y tế nữa là thừa... Vì thế không hẳn, bể bơi nào lực lượng y tế (thường xảy ra ở những bể bơi do quận, huyện quản lý) cũng có thể vào giám sát được.
Được biết tại Hà Nội, với các bể bơi lớn do thành phố quản lý thì Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội sẽ kiểm tra, giám sát y tế theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công mỗi năm một lần. Còn với các bể bơi nhỏ thì phân cấp cho quận, huyện quản lý, giám sát.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết hiện toàn thành phố có 137 bể bơi ở 25 quận huyện thị xã. Trong đó 89 bể ở 12 quận, trung bình 7,4 bể/quận (nhiều nhất là quận Tây Hồ với 14 bể, quận Đống Đa 11 bể và quận Ba Đình 10 bể). Qua báo cáo giám sát năm trước đây cho thấy chỉ 1/3 số bể bơi đạt tất cả các chỉ tiêu (13 chỉ tiêu).
Trong đó đáng lưu ý đến chất lượng nước bể bơi, theo Thông tư 02 của Bộ VH-TT&DL quy định nước bể bơi phải đáp ứng được chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt.
Điều đáng lưu ý là Thông tư cũng nêu rõ 7 chỉ số (độ trong, độ màu, hàm lượng chất vẩn đục, độ PH, độ cứng, Clorua, Amoniac) phải được kiểm tra ít nhất 1 lần/ngày, lưu mẫu nước (500 ml) mỗi lần kiểm tra tối thiểu 5 ngày. Tài liệu mỗi lần kiểm tra phải lưu hồ sơ và cung cấp khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Thông tư quy định đã rõ nhưng trên thực tế hầu hết các bể bơi đều phớt lờ quy định trên. Ông Tuấn cho biết, 100% cơ sở không thực hiện việc xét nghiệm, lưu mẫu nước hàng ngày. Ngay quy định thay nước, cọ rửa bể và khử trùng bể cũng không được các bể bơi thể hiện trên sổ sách hay nhật ký hoạt động.
“Với 7 chỉ tiêu phải lấy mẫu kiểm tra và lưu hàng ngày nhưng các bể bơi không thực hiện sẽ không kiểm soát được chất lượng nước ảnh hưởng đến sức khỏe người đi bơi” – ông Tuấn nói.
Đối với mật độ người bơi, thông tư cũng yêu cầu chỉ được phép 1 người/m2 ở khu vực nước nông (độ sâu dưới 1m) hoặc 1 người/2m2 ở khu vực nước sâu (độ sâu từ 1m trở lên). Tuy nhiên trong những ngày nắng nóng, hầu hết các bể bơi đều trong tình trạng quá tải.
Ông Tuấn phân tích, nếu lượng người vào bể bơi quá tải gấp nhiều lần thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe chính là mất an toàn, thậm chí là đe dọa tính mạng. Lý do vì đội ngũ nhân viên cứu hộ, nhân viên giám sát, phục vụ của bể bơi có hạn, khó đáp ứng nổi nhiệm vụ khi lượng khách tăng đột biến.
Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo vệ sinh trong bể bơi, chất lượng nước cũng bị ảnh hưởng, nguy cơ mất vệ sinh rất lớn do lượng người đến bể bơi thuộc đủ đối tượng khác nhau, có thể mang theo rất nhiều mầm bệnh…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh cho mình và cộng đồng, những người mắc bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, quai bị… không nên tắm bể bơi công cộng. Trước khi bơi nên tắm qua và không phóng uế, khạc nhổ trong lúc bơi, trang bị kính bơi để bảo vệ mắt và tắm lại bằng nước máy sạch sẽ, vệ sinh tai mũi ngay sau khi bơi.
Điểm 7, điều 4, chương II, TT 02 quy định Tiêu chuẩn nước bể bơi:
- Phải đảm bảo thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất.
- Đối với các bể bơi có hệ thống lọc tuần hoàn thì tối thiểu 1 lần/ngày phải làm vệ sinh thành bể và hút cặn, bơm bù đủ nước.
- Nước bể bơi phải đáp ứng được chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt với các chỉ số cụ thể: độ trong phải nhìn thấy đáy bể bơi; độ màu đối với bể ngoài trời không lớn hơn 5-6 đơn vị trong thang màu cơ bản và không lớn hơn 2 đơn vị trong thang màu cơ bản cho bể bơi trong nhà; hàm lượng chất vẩn đục ( không lớn hơn 2 mg/l cho bể bơi ngoài trời và không lớn hơn 1 mg/l cho bể trong nhà); độ PH nằm trong giới hạn 7,3 – 7,6; độ cứng ( 500 mg/l); Clorua không lớn hơn 0,5 mg/l; Amoniac không lớn hơn 0,5 mg/l.