Hà Giang: Mèo Vạc thu hút du lịch từ điểm nhấn văn hoá người Mông
Mèo Vạc nơi sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: “Đệ nhất hùng quan” Mã Pì Lèng, dòng Nho Quế trong xanh thơ mộng, tuyến đi bộ Vách đá thần mạo hiểm, thiên nhiên núi đá kỳ vĩ, hoang sơ…
Là huyện có trên 78% dân số là đồng bào dân tộc Mông, trong những năm qua huyện Mèo Vạc đã có nhiều giải pháp trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của người Mông như: trang phục, lễ hội, kỹ thuật canh tác trên nương đá, kiến trúc nhà trình tường đất, mái lợp ngói âm dương, tường rào đá… góp phần quan trọng trong thực hiện công tác bảo tồn văn hóa của tỉnh Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt là gắn công tác bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong xu hướng hội nhập và phát triển, nhiều khu vực người đồng bào Mông sinh sống đã làm nhà không theo kiến trúc nhà truyền thống làm phá vỡ cảnh quan của cả vùng.
Khu du lịch cộng đồng Pả Vi Hạ, Mèo Vạc. |
Để góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, tạo điểm nhấn trong thu hút khách du lịch, Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện ban hành 03 mẫu nhà ở theo kiến trúc nhà truyền thống dân tộc Mông áp dụng rộng rãi trên địa bàn huyện, đồng thời ban hành Chỉ thị số 07 ngày 01/7/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của các ủy Đảng đối với công tác tuyên truyền bảo tồn kiến tríc nhà ở truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mèo Vạc.
Với quyết tâm chính trị và sự vào cuộc của các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể tin tưởng rằng huyện Mèo Vạc sẽ gặt hái nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Mông vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
K.Chi