GS. TS Nguyễn Lộc: Thận trọng với việc cho trẻ học vượt lớp
GS. TS Nguyễn Lộc: Thận trọng với việc cho trẻ học vượt lớp
- Điều 40 của thông tư ghi rõ: trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em trong diện hộ đói nghèo, trẻ em ở nước ngoài về nước có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi từ 7 – 9 tuổi.
Vậy đối với trường hợp gia đình có con đủ 6 tuổi nhưng vì sức khỏe không tốt sợ không theo kịp các bạn, tuy nhiên gia đình lại không thuộc các diện như trên thì có được cho con đi học muộn như quy định ở thông tư hay không, thưa ông?
Theo ý kiến của riêng tôi, những trẻ có sức khỏe yếu, trong trường hợp gia đình cảm thấy trẻ không thể vào học lớp 1 như bạn bè cùng trang lứa thì có thể xếp những em đó vào diện khuyết tật và có thể cho đi học muộn hơn, như quy định của thông tư đã nêu.
- Cũng theo dự thảo thông tư thì “học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học”. GS có nhận xét gì về quy định này?
Thực ra, chuyện học vượt lớp ở các nước tiên tiến như Hà Lan, Pháp, Mỹ… đã có từ lâu rồi và họ dạy vượt lớp rất nhiều. Đây là hình thức đào tạo phổ biến đối với những học sinh tài năng và việc đào tạo học sinh năng khiếu cũng có nhiều hình thức. Ở nhiều nước, người ta không chỉ cho phép học vượt lớp mà còn học vượt môn. Ví dụ, một học sinh giỏi Toán có thể học vượt từ trình độ Toán lớp 3 lên lớp 5, bỏ qua chương trình Toán lớp 4 còn các môn khác vẫn học chương trình lớp 4 như bình thường.
Ở Việt Nam chúng ta, việc đào tạo học sinh tài năng mới chủ yếu dừng lại ở hình thức trường chuyên, lớp chọn chứ cũng chưa biết đến hình thức học vượt lớp. Do vậy nếu quy định mới này được thực hiện sẽ là một đóng góp rất ý nghĩa trong việc đa dạng hóa hình thức đào tạo học sinh năng khiếu.
Vì việc học vượt lớp chủ yếu áp dụng cho học sinh tài năng, nên tôi thấy cần thiết phải thận trọng trong việc xem xét năng lực học sinh vượt lớp, đã vượt lớp rồi thì phải học thế nào cho thành công, hết sức tránh bệnh thành tích của giáo viên, cha mẹ, nhà trường…
Việc học vượt lớp chủ yếu áp dụng cho học sinh tài năng. Ảnh minh họa từ internet |
- Trong thủ tục xem xét điều kiện học vượt lớp, thủ tục đầu tiên là cha mẹ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường. Vậy có lo ngại trường hợp phụ huynh “đua” nhau cho con học vượt lớp hay không?
Thật ra quy định học vượt lớp mới đang nằm trong dự thảo chứ chưa triển khai trên thực tế, cần dựa vào thực tiễn triển khai dự thảo và lắng nghe ý kiến của dư luận mới có thể đưa ra kết luận chính xác.
Xét về truyền thống, tâm lý của nhiều bậc phụ huynh là kỳ vọng vào con em hơi quá. Nếu con học vượt lớp thì đó là niềm tự hào cho cha mẹ, gia đình, không chỉ riêng ở Việt Nam mà đó là tâm lý chung của các bậc làm cha làm mẹ… vì vậy xu hướng chung là muốn cho con học vượt lớp. Tuy nhiên lời khuyên đối với các bậc phụ huynh là phải hết sức tỉnh táo, căn cứ vào thực tiễn sức học của trẻ và lắng nghe ý kiến của nhà trường trước khi cho con em học vượt lớp nếu không sẽ rất nguy hiểm cho trẻ. Nó giống việc cố gắng đưa con vào trường chuyên, lớp chọn vậy.
Về phía giáo viên, nhà trường, trong khi thành lập hội đồng khảo sát tư vấn cần hết sức thận trọng, khách quan, nên dựa vào năng lực thực sự của các em chứ không dựa vào thành tích, khen thưởng.
-Thưa GS, trường hợp học vượt lớp có thể áp dụng đối với học sinh bắt đầu vào lớp 1 không, nghĩa là trẻ 4, 5 tuổi nhưng có thể lực tốt, trí tuệ phát triển sớm thì có được vào học lớp 1 như những em 6 tuổi không?
Vấn đề này cần sự nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý hoặc các nhà giáo dục nhưng theo tôi, trẻ mới vào lớp 1 thì năng lực thể chất, trí tuệ chưa thể phát triển bằng các em ở lớp sau, nên việc học vượt lớp nên thực hiện đối với các em từ lớp cao hơn. Đối với các em lớp 1, vấn đề học vượt lớp cần có sự xem xét cẩn trọng hơn.
-Có ý kiến cho rằng tính tuổi cho trẻ đi học nên tính chính xác đến tháng sinh của trẻ, bởi như hiện nay, tuổi vào lớp 1 được tính từ trẻ sinh ngày 1.1 đến trẻ sinh 31.12 trong cùng một năm. Như vậy có độ chênh rất lớn về thể lực, nhận thức của trẻ sinh tháng 1 so với trẻ sinh tháng 12. Nên chăng bộ GD nên xem xét lại, cho những trẻ sinh từ tháng 11, 12 của năm đó cho học cùng những trẻ sinh năm sau?
Có lẽ cũng cần xem xét cụ thể trường hợp này, cần sự linh hoạt hơn nữa trong quy chế tuy nhiên để thực hiện phải có sự tham vấn của các chuyên gia.
-Theo GS, dự thảo này có sớm đi vào hiện thực trong năm nay không?
Khả năng thực hiện phụ thuộc vào năng lực của nhà trường, cơ quan các cấp chuyên môn…nếu tiến hành tốt, cụ thể, nghiêm túc sẽ sớm được triển khai, nếu không sẽ chậm đi, thậm chí đi ngược lại hiệu quả mong muốn. Nhưng theo tôi, đây là một bản dự thảo có tính canh tân, tiến bộ, nhân đạo và tôi kỳ vọng vào hiệu quả thực tiễn của dự thảo thông tư này.
- Xin cảm ơn ông.
Thanh Hằng
(thực hiện)