GS. Trần Văn Thọ, người Việt luôn đau đáu với quê hương
Giáo sư Trần Văn Thọ cùng vợ tại buổi tiệc chiêu đãi |
Chiều tối 15/8, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đã tổ chức tiệc chúc mừng Giáo sư Đại học Waseda Trần Văn Thọ tại tư gia ở Hà Nội. Tháng 5 vừa qua, Giáo sư Trần Văn Thọ được Chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Thuỵ Bảo Tia Vàng với hình hoa hồng tại Tokyo. Sau buổi lễ, Giáo sư và phu nhân đã tới yết kiến Nhật Hoàng.
Phát biểu tại buổi lễ, giới thiệu về những đóng góp to lớn của Giáo sư Trần Văn Thọ, đại sứ Umeda Kunio nhắc đến đầu tiên là việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên ở quê hương Quảng Nam, chàng thanh niên Trần Văn Thọ sang Nhật Bản du học từ năm 1968 theo chương trình học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Sau khi lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Hitotsubashi, ông đã tham gia giảng dạy tại Đại học Obirin và Đại học Waseda. Trong suốt 50 năm qua, ngoài việc học tập, nghiên cứu và giảng dạy, Giáo sự Thọ đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Giáo sư Trần Văn Thọ đã liên tục nghiên cứu về kinh tế Nhật Bản và Việt Nam, trong đó một chủ đề rất quan trọng là “kinh nghiệm phát triển kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh thế giới lần thứ hai” với suy nghĩ rằng chủ đề đó sẽ có ích cho Việt Nam tham khảo trong quá trình phát triển.
Sau khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, những kinh nghiệm của Giáo sư tại Nhật Bản đã được đánh giá cao, và vào năm 1993, ông đã được bổ nhiệm là thành viên của Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và hành chính của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
“Khi đó Giáo sư Thọ là người duy nhất có thể giới thiệu với các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam về những kinh nghiệm của Nhật Bản, ông đã thường xuyên qua lại giữa hai nước để đề xuất ý kiến tới lãnh đạo Việt Nam về chiến lược công nghiệp hoá, chính sách kinh tế và cải cách thể chế, những nội dung mà Việt Nam cần triển khai thực hiện, góp phần to lớn trong việc xây dựng nền tảng kinh tế của Việt Nam cũng như quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam”, Đại sứ Umeda Kunio nói.
Đặc biệt, từ vị trí một người thấu hiểu sâu sắc về văn hoá cũng như cách suy nghĩ của hai nước Việt – Nhật, Giáo sư đã đưa ra những đề xuất phù hợp với cả hai bên, góp phần to lớn cho sự thành công của dự án hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi kinh tế theo hướng kinh tế thị trường đã được triển khai trong khuôn khổ “Chương trình nghiên cứu chung giữa Nhật Bản và Việt Nam”, còn được gọi là chương trình nghiên cứu Ishikawa.
Tại Nhật Bản, trên cương vị là thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản, Giáo sư Thọ đã đưa ra những đề xuất về chính sách kinh tế đối ngoại của Nhật Bản từ tầm nhìn Châu Á và toàn cầu.
Cũng theo Đại sứ Umeda Kunio, Giáo sư Trần Văn Thọ đã có đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam. Bên cạnh lịch sử, văn hoá và quá trình phát triển kinh tế của Nhật Bản, Giáo sư Thọ cũng đã giới thiệu trên báo chí của Việt Nam về cách sống của các bậc vĩ nhân thời Minh Trị, tư chất của doanh nhân thời Minh Trị như Shibusawa Eiichi, triết lý kinh doanh của những nhà kinh doanh hàng đầu của Nhật Bản sau chiến tranh như Honda Soichiro, người sáng lập tập đoàn Honda và Ibuka Masaru, Morita Akio, những người sáng lập tập đoàn Sony, cơ cấu và thể chế hành chính của Nhật Bản, câu chuyện 100 bao gạo và tinh thần đề cao giáo dục… Giáo sư cũng đã quảng bá về nét đẹp và tinh thần của người Nhật Bản. Qua đó, tăng cường hiểu biết của xã hội Việt Nam về Nhật Bản.
Đồng thời, tại Nhật Bản, Giáo sư đã giới thiệu cho xã hội Nhật Bản về những chuyển biến mới nhất của tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam, góp phần nâng cao sự quan tâm của người Nhật Bản dành cho Việt Nam.
Đại sứ Umeda Kunio cho biết thêm, Giáo sư Thọ đã nỗ lực hết mình trong sự nghiệp đào tạo nhân tài và thúc đẩy giao lưu kinh tế. Là người khởi xướng và vận động thành lập “Trung tâm kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương” nhằm thúc đẩy giao lưu nghiên cứu giữa Việt Nam với Nhật Bản và các nước trong khu vực. Giáo sư đã nhận trách nhiệm vận động các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần to lớn cho việc thành lập Trung tâm này vào năm 1993. Kể từ đó, Giáo sư đã tích cực thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa Trung tâm này với các cơ quan nghiên cứu của Nhật Bản.
Ngoài ra, Giáo sư Trần Văn Thọ đã thành lập “Viện nghiên cứu tổng hợp về Việt Nam” thuộc Đại học Waseda, với vai trò là Viện trưởng, ông đã xây dựng nhiều dự án nghiên cứu liên quan đến hội nhập kinh tế Đông Á, phát triển khu vực Mekong… và phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước Nhật – Việt.
Hiện Giáo sư Trần Văn Thọ trực tiếp giảng dạy bằng tiếng Nhật và tiếng Anh cũng như hướng dẫn sinh viên viết luận văn tại Đại học Waseda, không chỉ các sinh viên Nhật Bản mà còn rất nhiều du học sinh đến từ các nước Châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.