GS Nguyễn Lân Dũng: Rau không trồng trong nhà lưới thì không gọi rau sạch
![]() |
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng |
Trớ trêu cảnh “bán sâu”
Năm 1939, bác sĩ Paul Muller xác nhận DDT là hoá chất hữu hiệu trong việc trừ sâu rầy và không gây nguy hại cho con người. Khi mới xuất hiện, hoá chất này như một loại “thần dược” trong việc bảo vệ thực vật, nó có thể diệt ngay lập tức các loại côn trùng hại nông phẩm và có tác dụng dập tắt dịch sốt rét.
Nhưng đến năm 1970 nó bị cấm sử dụng ở Thuỵ Điển, năm 1972 bị cấm ở Mỹ do những tác động xấu của nó đến môi trường và sức khoẻ. Từ đó, người ta đua nhau tìm ra các loại thuốc diệt trừ sâu khác. Sâu nhờn thuốc thì người ta càng tìm ra các hoá chất độc hại hơn để diệt trừ nó. Trong cuộc chạy đua này, con người thực sự đã thua sâu.
Chính vì thế mới có cảnh tượng người ta bán rau với một lọ sâu và rải sâu lên rau. Người mua thì tin rằng rau có sâu là rau an toàn. Sâu bò lổm ngổm trên rau nhưng thực chất con sâu từ trong lọ. Người ta bán rau và đảm bảo rau sạch bằng sâu.
Ngoài ra, còn có một số người họ trồng rau và để khẳng định rau sạch họ để sâu ăn lỗ chỗ lá rau họ mới phun thuốc sâu. Khi đó, rau có thuốc trừ sâu nhưng được đảm bảo rau sạch bằng lá rau đã bị sâu ăn trước.
Thuốc trừ sâu nguy hại vô cùng
Điều đặc biệt, số lượng thuốc trừ sâu mà Việt Nam nhập về với khối lượng rất lớn. Theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng đến năm 2013 là 1.643 hoạt chất. Trong khi đó các nước ở khu vực chỉ có từ 400 đến 600 hoạt chất.
Nếu như trước năm 1985 người Việt Nam chỉ dùng khoảng 6.500 – 9.000 tấn thì trong ba năm gần đây, hàng năm Việt Nam đều nhập và sử dụng từ 70.000 – 100.000 tấn, tăng gấp hơn 10 lần.
Điều đáng nói hầu hết thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam đều phải nhập khẩu và 90% thuốc bảo vệ thực vật đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện nay, vấn đề nóng nhất là quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong ngành nông nghiệp.
Giáo sư Dũng nhấn mạnh đã đến lúc người tiêu dùng phải được ăn rau bảo đảm. Rau đó không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không được sử dụng phân đạm hoá học mà chỉ được dung phân hữu cơ, trồng ở nhà lưới để tránh bướm gây sâu.