GS người Mỹ gốc Việt chia sẻ kinh nghiệm triển khai ứng dụng kết quả NCKH
GS Nguyễn Sơn Bình |
Định cư cùng gia đình tại Mỹ từ năm 1984, tuy ít về Việt Nam nhưng giáo sư Nguyễn Sơn Bình vẫn được nhiều đồng nghiệp trong nước biết đến và ngưỡng mộ qua những kết quả nghiên cứu mà ông xuất bản trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới như Nature, Nature Nanotechnology, Nature Chemistry, Advanced Materials, Nano Letters, ACS Nano, Journal of the American Chemical Society, Advanced Functional Materials, Angewandte Chemie…
Bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu độc lập ở Khoa Hóa, trường Đại học Northwestern từ năm 1996, đến nay giáo sư Nguyễn Sơn Bình đã có hơn 250 bài báo trên tạp chí ISI, hơn 30 bằng sáng chế và nhiều giải thưởng khoa học trong các lĩnh vực tổng hợp hóa học, xúc tác, tổng hợp vật liệu mềm và hóa học nguyên liệu được lấy cảm hứng từ sinh học. Các dự án nghiên cứu do ông thực hiện chủ yếu tập trung vào hóa học vô cơ/hóa học hữu cơ kim loại, tổng hợp hữu cơ và khoa học polymer, đồng thời ông cũng quan tâm đến các chất xúc tác thân thiện với môi trường và vật liệu sinh học.
GS.TS Nguyễn Sơn Bình – một trong năm nhà khoa học Mỹ gốc Việt có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters công bố năm 2017, hiện đang là giảng viên đại học Northwestern.
Dù đã về nước một vài lần trong vai trò cố vấn của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) nhưng đến nay, giáo sư Nguyễn Sơn Bình vẫn chưa nhận lời tham gia một hoạt động nghiên cứu nào với các nhà khoa học Việt Nam, không phải do ông không tin cậy các nhà nghiên cứu trong nước mà là ông chưa tìm thấy một dự án chung nào để có thể kết hợp nghiên cứu đồng thời tại phòng thí nghiệm của ông ở Mỹ và phòng thí nghiệm của đối tác ở Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Sơn Bình dành phần lớn quỹ thời gian của mình cho nghiên cứu. Ông cũng rất quan tâm đến các nhà khoa học trẻ Việt Nam, và mong góp phần giúp các nhà khoa học trẻ có thêm các kinh nghiệm để họ có thể tự tin tiếp cận và bắt nhịp với hoạt động nghiên cứu khoa học trên thế giới.
Nổi tiếng và được nhiều người biết đến khi bốn năm liền lọt vào danh sách nhà khoa học có công trình được trích dẫn nhiều nhất thế giới (highly cited researchers) của Thomson Reuters và Clarivate Analytics nhưng giáo sư Nguyễn Sơn Bình rất giản dị trong cách sống và làm việc. Khi về Việt Nam, ông không muốn ở tại những nơi sang trọng và không muốn ăn những bữa ăn đắt đỏ làm tốn kém kinh phí tổ chức và trong bất kỳ hoạt động nào, ông cũng luôn nhấn mạnh với mọi người cần phải tiết kiệm kinh phí để không lãng phí tiền thuế của nhân dân.
Trong lần trở về Việt Nam vào tháng 9 mới đây khi tham dự hội thảo “kinh nghiệm triển khai ứng dụng từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ” do Học viện Khoa học và công nghệ Việt Nam phối hợp cùng Viện Khoa học vật liệu và Trung tâm phát triển công nghệ cao tổ chức GS Nguyễn Sơn Bình đã có nhiều chia sẻ về cách làm khoa học cũng như những việc cần thiết để triển khai ứng dụng từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ ra thực tiến.
Theo đó, GS Bình, đã chỉ ra 3 nguyên nhân quan trọng làm hạn chế triển khai ứng dụng từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Thứ nhất, các sản phẩm được triển khai ứng dụng từ các nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam đa số chỉ dùng trong nước, thậm chí chỉ được sử dụng trong một nhóm nhỏ người dân, mà không tìm hiểu để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Chỉ một phần nhỏ sản phẩm của Việt Nam được bán sỉ ra nước ngoài, sau đó các nước gia công lại và bán, thậm chí xuất khẩu ngược lại Việt Nam với giá cao hơn rất nhiều.
Thứ hai là chúng ta chưa thực sự quan tâm việc quảng bá sản phẩm của mình mặc dù các sản phẩm được triển khai ứng dụng tại Việt Nam rất tốt.
Thứ ba là do chúng ta thiếu kinh nghiệm và hạn chế thông tin khi lựa chọn các sản phẩm cho chính mình. Chúng ta hiện nay đang “sa vào bẫy” theo trào lưu mua đồ nước ngoài, tức là cứ cái gì ở nước ngoài đều tốt, nhưng lại không biết rằng, rất nhiều sản phẩm chúng ta mua từ nước ngoài đều bắt nguồn từ Việt Nam.
Với kinh nghiệm có trên 30 bằng sáng chế và nhiều nghiên cứu khác đã được triển khai thành sản phẩm thương mại trên thế giới (ví dụ như tai nghe chất lượng cao ORA-Sound đầu tiền trên thế giới dùng màng grapheme), GS.TS Nguyễn Sơn Bình chia sẻ, để phát triển ứng dụng từ kết quả các nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam, chính người Việt cần phải thay đổi suy nghĩ về 3 nguyên nhân trên. Sự thay đổi này phải từ chính tư duy của mọi người, từ những người dân, nhà nghiên cứu, quần chúng…, không nên trông chờ, ỷ lại từ cơ quan quản lý, mà phải có những gợi ý, tham mưu cho cơ quan quản lý.
Năm 1990, giáo sư Nguyễn Sơn Bình tốt nghiệp ngành Hóa học tại Đại học Pennsylvania State và sau đó theo học tiến sĩ hóa học dưới sự hướng dẫn của GS. Robert Grubbs và GS. Nathan Lewis tại Caltech vào năm 1995. Ông làm hậu tiến sĩ với giáo sư K. Barry Sharpless tại Viện nghiên cứu Scripps rồi về Khoa Hóa, trường Đại học Northwestern. Ngoài công việc nghiên cứu tại đây, ông còn là thành viên chính của phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Argonne. Theo số liệu cập nhật đến ngày 27/12/2017, các công trình của ông có 61.171 lượt trích dẫn còn chỉ số h-index của ông là 86, riêng công trình “Graphene-based composite materials” của ông và cộng sự xuất bản trêm Nature năm 2006 đến nay có 9.565 lượt trích dẫn. |