GS Mỹ gốc Việt nổi tiếng từng bắt đầu bằng công việc rửa dụng cụ thí nghiệm
Lần đầu tiên, câu chuyện đầy cảm hứng về niềm đam mê, thành tựu và sự hi sinh của người làm khoa học sẽ được các giáo sư từng đoạt giải Nobel, Millenium chia sẻ trong buổi “Giao lưu với Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo”
Sự kiện hướng tới Lễ trao giải VinFuture (20h10) ngày 20/1/2022 tại Hà Nội.
Những câu chuyện về hành trình không tưởng
Giới nghiên cứu toàn cầu và hàng triệu người quan tâm tới các lĩnh vực y tế, vật lý, khoa học công nghệ,… không khỏi háo hức bởi chỉ vài ngày nữa, những tinh hoa trí tuệ đỉnh cao bậc nhất trên thế giới sẽ cùng tụ hội tại Việt Nam tham dự Tuần lễ Khoa học VinFuture (từ 18/1 – 21/1).
Đặc biệt, buổi giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture ngày 18/1 sẽ là cơ hội hiếm có để gặp gỡ những tên tuổi lớn nhất thế giới như Sir Richard Henry Friend - người đạt Giải Millennium Technology Vật lý 2010, Giáo sư Gérard Mourou - chủ nhân Giải Nobel Vật lý năm 2018…
Theo thông tin từ VinFuture, điều khác biệt là nội dung của buổi giao lưu với các học giả hàn lâm sẽ không mang tính chất… hàn lâm thông thường. Tại đây, những vị giáo sư nổi tiếng thế giới sẽ chia sẻ câu chuyện ít người biết về hành trình đến với nghiên cứu đỉnh cao. Đó là những câu chuyện đời thường, về sự hi sinh, vượt qua khó khăn tưởng chừng như không thể để đi đến thành công.
Trong danh sách của VinFuture, chắc hẳn nhiều người sẽ chú ý tới GS Nguyễn Thục Quyên, vị đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture. Hành trình của vị nữ giáo sư gốc Việt từ miền quê nghèo, sang Mỹ với vốn từ tiếng Anh gần như bằng con số 0 đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên thế giới.
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Khoa Hóa & Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, từng được bình chọn là Trí tuệ Khoa học có Ảnh hưởng nhất Thế giới nhiều năm liền và thuộc Top 1% Nhà nghiên cứu Khoa học Vật liệu được Trích dẫn Nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và Clarivate Analytics.
Con đường theo đuổi đam mê nghiên cứu của GS Quyên là cả mồ hôi và nước mắt khi phải vượt qua quá nhiều sự coi thường. Từ một người rửa dụng cụ thí nghiệm, bằng ngọn lửa đam mê chưa khi nào tắt, nhà khoa học gốc Việt đã trở thành Giáo sư tại Đại học California (Santa Barbara, Hoa Kỳ) với những công trình nổi tiếng thế giới như vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ.
Giới khoa học Việt Nam và thế giới cũng mong chờ sự xuất hiện của giáo sư nổi tiếng Gérard Albert Mourou - chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018 với phát minh về kĩ thuật laser. Tại buổi giao lưu hôm 18/1, có thể vị giáo sư người Pháp sẽ chia sẻ sâu hơn về hành trình khó khăn để vượt qua bức tường khoa học tưởng như không thể phá vỡ, đó là ứng dụng điện trường laser cường độ cao vào thực tế.
Một trong những tên tuổi đáng chú ý khác là vị giáo sư đáng kính từng được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ - Sir Richard Henry Friend. Vị giáo sư Vật lý tại Đại học Cambridge (Anh) là một trong những nhà vật lý có ảnh hưởng nhất thế giới với hơn 20 bằng sáng chế, 164.623 trích dẫn khoa học. Rất nhiều người chắc chắn sẽ đón chờ câu chuyện của vị giáo sư nổi tiếng đã đặt những bước đi đầu tiên cho nghiên cứu về OLED để làm ra các thế hệ TV OLED màn hình phẳng của hiện tại.
Ngoài ra, còn là nhiều điều chưa từng biết của giáo sư Đặng Văn Chí (Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khoa học của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ), người theo đuổi “bí mật” về quá trình trao đổi chất của các tế bào ung thư, tiến sĩ Padmanabhan Anandan - người đã đặt nền móng cho ngành thị giác máy tính…
Sự thuyết phục từ sứ mệnh khác biệt của VinFuture
Ngoài hành trình khoa học, buổi giao lưu ngày 18/1/2022 cũng sẽ là nơi những vị giáo sư nổi tiếng nói về hành trình đến với VinFuture – giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu đầu tiên do người Việt khởi xướng.
Trong những chia sẻ trước đó, GS Nguyễn Thục Quyên đã phần nào nhắc về lí do bà và rất nhiều giáo sư tham gia hội đồng sơ khảo đến với giải thưởng trước đó thế giới chưa từng biết đến. "Các nhà khoa học trong hội đồng giải thưởng đã nói với chúng tôi rằng họ bị thuyết phục bởi chính sứ mệnh của VinFuture", GS Quyên nói về sứ mệnh tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên Trái Đất của Giải thưởng.
Với VinFuture, như GS Jennifer Tour Chayes (Đại học California, Berkeley), thành viên Hội đồng giải thưởng từng chia sẻ, yếu tố con người đã tạo nên sự khác biệt của VinFuture và thuyết phục bà tham gia. Trong khi nhiều giải thưởng trên thế giới thường chỉ có xu hướng tập trung vào tác động về mặt khoa học thì VinFuture đặt thêm tiêu chí quan trọng là khả năng tác động tới con người.
Quá trình chấm giải được chính vị giáo sư này tiết lộ là cuốn hút đến mức, chính bà cùng các chuyên gia hàng đầu trong ngành khoa học máy tính bắt tay vào nghiên cứu để tìm ra thuật toán dự đoán thêm tác động của các dự án về nhiều mặt, thay vì về khoa học một cách thuần túy.
Dù chưa chia sẻ cụ thể về người những người trúng giải nhưng chính vị giáo sư nổi tiếng đã khẳng định về sự xứng đáng của công trình được vinh danh. Ngay cả những dự án chưa có giải, theo bà, cũng là những đột phá lớn trong khoa học hoặc công nghệ và mang lại lợi ích cho hàng triệu người trên thế giới – đúng như tiêu chí đặt ra của Giải thưởng VinFuture.
- Ngày 18/1/2022: Chương trình Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo.
- Ngày 19/1/2022: Tọa đàm “Khoa học Vì Cuộc sống” gồm 3 phiên thảo luận với các chủ đề: Tương lai của Năng lượng, Tương lai của Trí tuệ Nhân tạo và Tương lai của Sức khỏe Toàn cầu. Sự kiện có sự có sự tham gia của nhiều GS hàng đầu từng đoạt giải Nobel, Millennium Technology.
- 20h10p ngày 20/1: Lễ trao giải thưởng VinFuture tại Nhà hát lớn Hà Nội (Truyền hình trực tiếp trên VTV1 cùng các nền tảng mạng xã hội lớn trong nước và quốc tế).
- Ngày 21/1: Giao lưu cùng Chủ nhân Giải thưởng VinFuture.
Với tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu, BTC đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng việc xét nghiệm Covid cho toàn bộ khách mời tham gia các sự kiện VinFuture, nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho sự kiện tầm cỡ quốc tế này.
Minh An