Gợi ý đáp án đề thi Văn vào lớp 10 tại Hà Nội
TS Phạm Hữu Cường |
Sau đây là gợi ý đáp án:
Phần I:
1. Ghi lại:
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.
2. - Cách miêu tả bước chân con “chạm tiếng nói”, “tới tiếng cười” rất đặc biệt: Đây là cách nói ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, cũng là cách tư duy và diễn đạt cụ thể của người miền núi.
- Qua đó, tác giả mở ra khung cảnh một gia đình ấm cúng, đầy ắp niềm vui, đầy ắp tiếng nói cười, đồng thời vẽ ra trước mắt người đọc hình ảnh em bé đang chập chững tập đi, đang bi bô tập nói, lúc thì sa vào lòng mẹ, lúc thì níu lấy tay cha. Mỗi bước con đi, mỗi tiếng con cười đều được cha mẹ đón nhận, chăm chút mừng vui. Trong tình yêu thương, trong sự nâng niu của cha mẹ, con lớn khôn từng ngày. Như vậy gia đình hạnh phúc chính là cội nguồn sinh dưỡng của mỗi người.
3. Thí sinh cần có suy nghĩ riêng và có thể trình bày theo nhiều cách, sau đây là một vài gợi ý :
- Tình yêu thương là một phương diện quan trọng thể hiện bản chất cao đẹp của con người cũng như mối quan hệ giữa người với người.
- Được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, của gia đình, của những người thân yêu là niềm mong muốn, mà cũng là hạnh phúc của mỗi người, bởi khi đó, mỗi người luôn được che chở, đùm bọc, sẻ chia…Được sống trong tình yêu thương của cộng đồng, của dân tộc và đất nước lại càng hạnh phúc.
- Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình yêu thương. Không có tình yêu thương thì biệt thự, lâu đài cũng chỉ là những nấm mồ lạnh giá. Có tình yêu thương, căn nhà bình thường cũng thành tổ ấm. Sống thiếu tình thương con người sẽ trở nên đơn độc, thiếu tự tin và mất phương hướng, dửng dưng, thờ ơ, vô cảm.
- Nhiều người hiện nay vẫn không được sống trong tình yêu thương, bởi nạn bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại, những bạo lực xã hội cũng vẫn còn bùng phát ở nhiều nơi. Việc đấu tranh để mọi người đều được sống trong tình yêu thương là mục đích cao đẹp, cũng là trách nhiệm của mỗi người.
Phần II:
1. - Đoạn văn trên được trích từ truyện ngắn “Làng” của Kim Lân.
- Truyện ngắn Làng được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ (1948)
- “Hồi ấy gia đình tôi cũng đi sơ tán. Trên khu ở mới, có tin đồn làng tôi là làng Việt gian. Mọi người đều nhìn những người dân làng với con mắt chế giễu, khinh thường. Tôi yêu ngôi làng của tôi và không tin làng tôi lại có thể đi theo giặc Pháp. Tôi viết truyện ngắn Làng như thể để khẳng định niềm tin của mình và minh oan cho làng tôi”. (Kim Lân)
2. – Thể hiện qua việc nhắc lại các từ, cụm từ sau:“nghĩ ngợi”, “lại nghĩ”, “lại thấy náo nức”, “lại muốn”, “nhớ làng”, “nhớ cái làng quá”
- Trong dòng cảm xúc, suy nghĩ ấy, những kỉ niệm của ông lão với làng kháng chiến là: những ngày cùng làm việc với anh em. Ồ, sao mà độ ấy vui thế....Cũng hát hỏng, bông phèng, cũng đào, cũng cuốc mê man suốt ngày....
3. Xét về mục đích nói, câu văn “Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa? “thuộc kiểu câu nghi vấn. Nỗi trăn trở của ông lão trong câu văn đó là 1 biểu hiện của tình cảm công dân vì: “Cái chòi gác” được dựng là để canh phòng, theo dõi và chống lại những trận càn của giặc, để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến. Nỗi trăn trở của ông Hai ở đây cho thấy ông lão luôn nhớ về làng, gắn bó với làng và luôn lo lắng cho nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ kháng chiến của làng.
4.
a. Về hình thức, đoạn văn phải có hình thức lập luận quy nạp, khoảng 12 câu, có sử dụng câu ghép và phép thế.
b. Về nội dung: Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân đã khắc họa thành công hình ảnh những người nông dân trong kháng chiến.
c. Thí sinh cần có suy nghĩ riêng và có thể diễn đạt theo nhiều cách, sau đây là một vài gợi ý :
- Ông Hai vốn rất yêu cái làng chợ Dầu của mình, luôn hãnh diện khoe về nó, luôn nghĩ làng mình “tinh thần cách mạng lắm”. Vậy mà ở nơi tản cư, ông lại phải nghe cái tin làng mình theo giặc, lập tề.
- Bao nhiêu điều tự hào về quê hương như sụp đổ trong tâm hồn người nông dân rất mực yêu quê ấy. Ông Hai căm giận lũ người theo giậc, phản bội làng nước; ông đau xót, tủi hổ, day dứt khi thấy chính mình và các con phải mang nỗi nhục của kẻ Việt gian bán nước; thấy mình có lỗi trong việc làng theo Tây, phản bội kháng chiến.
- Trong lòng ông Hai có sự xung đột, giằng xé giữa tình yêu làng và tình yêu nước. Cả hai tình cảm này đều mãnh liệt, nhưng lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến vẫn rộng lớn hơn, bao trùm lên cả tình yêu làng.
- Nhận được tin cải chính về làng, ông Hai như được hồi sinh, mọi đau khổ, tủi nhục như biến mất. Nỗi đau đớn, tủi nhục khi nghe tin làng theo giặc lớn lao bao nhiêu bao nhiêu thì niềm sung sướng, hãnh diện khi nhận được tin cải chính về làng cũng sâu sắc bấy nhiêu
- Từ một người nông dân yêu làng, ông Hai đã trở thành một công dân nặng lòng với kháng chiến. Tình yêu làng, yêu nước thống nhất, hòa quyện ở ông Hai nhưng tình yêu nước được đặt cao hơn, rộng lớn hơn, bao trùm lên tình làng. Đây là nét đẹp truyền thống mà cũng mang tinh thần thời đại. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp của người nông dân trên đất Việt trong thời kì kháng chiến chống Pháp.