Ra mắt website nhận biết lừa đảo trực tuyến
Với sự hợp tác của Google, ngày 01/04/2022, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) ra mắt website DauhieuLuadao.com (Dấu hiệu Lừa đảo) nhằm nâng cao nhận thức về lừa đảo trực tuyến…
DauhieuLuadao.com cung cấp các tình huống lừa đảo điển hình, giúp người dân nhận biết các phương thức lừa đảo rất phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới, và các “nguyên tắc vàng” trong hành xử để tự ngăn chặn.
Website mang đến những thông tin nhận diện phương thức và nội dung lừa đảo phổ biến của tội phạm mạng. Các đối tượng này thường tập trung vào các nhóm tin giật gân, tin giả mạo thông báo của công ty hay từ người thân quen, hoặc đe dọa bằng cách giả mạo cơ quan chức năng, giả mạo nhân viên sàn thương mại điện tử hoặc các thương hiệu lớn, dùng nhiều chiêu trò đánh vào tâm lý đối tượng khiến họ trở nên bị động và dễ bị dẫn dắt vào bẫy của kẻ lừa đảo.
Trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu trên mạng. (ảnh minh họa) |
Theo Unicef tại Việt Nam, không gian mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn cho nhiều người, đặc biệt là trẻ em.
Theo đó, trẻ em có thể bắt gặp nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi như bạo lực, khiêu dâm. Thông tin, hình ảnh đăng tải hay chia sẻ có thể bị kẻ xấu sử dụng vào mục đích xấu như tung tin, lừa đảo, bêu riếu hay đe dọa các em. Các em có thể bị cư dân mạng chế giễu, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý. Thậm chí các em có thể bị công kích, đe dọa hoặc xuyên tạc các thông tin hình ảnh có liên quan đến các em.
Thậm chí, một số kẻ xấu tiếp cận, làm quen, và gạ gẫm trẻ em tham gia vào các hành vi như gửi tin nhắn đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, đoạn video nhạy cảm. Chúng có thể dùng những hình ảnh và tin nhắn này để ép buộc, đe dọa khiến các em phải vâng lời làm theo các yêu cầu khác.
Để giúp cho con em mình không gặp phải rắc rối khi tham gia vào môi trường mạng, các bậc phụ huynh cần trao đổi với trẻ để cùng đưa ra nguyên tắc khi sử dụng Internet và điện thoại di động như: Không sử dụng điện thoại di dộng trong phòng ngủ; Kiểm soát thời gian các em sử dụng mạng cho mục đích giải trí; Đặt các thiết bị truy cập mạng trong không gian chung của gia đình.
Điều quan trọng nhất của mọi giải pháp đó là cha mẹ hãy trao đổi cởi mở, trò chuyện với con để biết được con thường truy cập, sử dụng nội dung nào và vì sao. Từ đó cha mẹ hướng dẫn con cách kết bạn, giao tiếp; hướng dẫn con cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô giáo ngay khi gặp rắc rối trên mạng.
Tuân Nguyễn