TP.HCM muốn được tự công nhận tốt nghiệp THPT, chuyên gia nói gì?
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có kiến nghị Bộ GD&ĐT giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT.
Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận vì việc kiểm tra, đánh giá cũng như công nhận tốt nghiệp lâu nay vẫn “phụ thuộc” vào kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Ảnh minh họa |
TS. Lê Viết Khuyến- Nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng Bộ GD&ĐT không nên “ôm” kỳ thi tốt nghiệp THPT mà nên giao về cho địa phương tự chọn hình thức công nhận tốt nghiệp cho học sinh, cùng với đó là trả lại việc tuyển sinh đại học về cho các trường đúng theo luật tự chủ đại học. Luật Giáo dục Đại học cũng nêu rõ tuyển sinh là trách nhiệm của các trường.
“Hơn nữa là giao kỳ thi về cho các địa phương thì hoàn toàn không vi phạm luật giáo dục hiện hành vì kỳ thi này vẫn được các địa phương tổ chức tùy vào điều kiện và hoàn cảnh thực tế của địa phương.
Tất nhiên Bộ GD&ĐT vẫn giữ vai trò quản lý của mình và xây dựng các quy chuẩn, quy chế, phương án khác nhau để cho địa phương có thể lựa chọn tùy theo tình hình thực tế.
Ví như thời điểm hiện tại dịch bệnh diễn biến căng thẳng, nhiều địa phương giãn cách xã hội không tổ chức chung đợt thi tới với nhau thì để địa phương tự cân nhắc việc xét tốt nghiệp dựa vào học bạ của học sinh, sau đó cấp bằng chứng nhận cho các em”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Ngoài ra, theo TS Lê Viết Khuyến thì hiện nay Bộ GD&ĐT cho biết tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT phục vụ mục đích xét tốt nghiệp nhưng đa số các trường lại dùng kết quả đó để tuyển sinh đại học nên nhiều người lo ngại đề thi không có sự phân hóa tốt sẽ rất khó tuyển sinh.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng đã đến lúc Bộ GD&ĐT nên trả kỳ thi đại học về cho các trường vì họ mới biết mình muốn tuyển sinh thế nào, còn việc xét tốt nghiệp nên trả cho địa phương vì địa phương biết rõ công nhận tốt nghiệp thế nào thì hợp lý với học sinh của mình.
Trước đó, Sở GD&ĐT TP.HCM đã kiến nghị với Bộ GD&ĐT và các cấp lãnh đạo cho phép ngành GD&ĐT TP.HCM được áp dụng cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.
Cụ thể, ngành giáo dục thành phố kiến nghị cho phép học sinh các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản.
Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh. Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ GD&ĐT giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC...) và công bố rộng rãi toàn quốc.
Một đề xuất khác của ngành giáo dục thành phố là mong muốn các trường được chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường như trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại..../.
Các ĐH áp dụng online với phỏng vấn tuyển sinh, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo, nhiều trường đại học đã linh hoạt chuyển việc phỏng vấn tuyển sinh, bảo vệ luận án tốt nghiệp sang hình thức trực tuyến (online).
Hoàng Thanh