Học bổng 900 triệu đồng giúp thay đổi số phận chàng trai khiếm thị
Năm 2016, Hoàng Nhật Minh - chàng trai khiếm thị được nhận học bổng 900 triệu từ Đại học RMIT, chính suất học bổng này đã làm thay đổi số phận của Minh.
Hoàng Nhật Minh đạt học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMITnăm 2016. Hơn 4 năm đã trôi qua nhưng Minh vẫn nhớ như in quá trình dự tuyển học bổng tại RMIT của mình với sự hỗ trợ tận tình của mẹ.
Minh kể, vì có sự đi trước của hai bạn khiếm thị cùng học trường Nguyễn Đình Chiểu (đều nhận học bổng RMIT) nên em đã hình dung được môi trường học tập tuyệt vời tại đại học này từ năm học lớp 10.
Từ đó, hai mẹ con Minh đã lên kế hoạch chi tiết cho những việc cần làm để xin học bổng, từ việc duy trì điểm trung bình cấp 3 thật tốt đến việc giảng dạy võ cho trẻ khuyết tật, tham gia các hoạt động thiện nguyện để nâng cao kinh nghiệm, cũng như học tiếng Anh và luyện thi IELTS tốt nhất.
Hoàng Nhật Minh hiện đang làm việc tại tổ chức từ thiện Saigon Children. |
Chi sẻ về kinh nghiệm khi phỏng vấn xin học bổng, Minh cho rằng đường đến trái tim nhanh nhất là sự chân thật và một kế hoạch thực hiện mục tiêu tương lai rõ ràng. Minh đã hứa là sẽ dùng kiến thức của mình đóng góp vào các dự án hỗ trợ cộng đồng và hỗ trợ cho Dịch vụ bình đẳng giáo dục của trường RMIT. Và sau này thực sự Minh đã làm được.
Từ khi vào RMIT Hoàng Nhật Minh đã quyết tâm nỗ lực hết mình để cống hiến cho cộng đồng. Suốt những năm học chương trình cử nhân ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Minh đã nhận được sự trợ giúp tận tình từ Dịch vụ bình đẳng giáo dục của nhà trường và sau đó đã trở thành tình nguyện viên cho những dự án nhằm hỗ trợ các sinh viên khiếm khuyết khác.
Bên cạnh đó, Minh cũng là tình nguyện viên chuyên về mảng nội dung và là huấn luyện viên võ thuật cho tổ chức xã hội mang tên Aikido - Thế giới là yêu thương với sứ mệnh giúp người khuyết tật rèn luyện thể thao và nâng cao khả năng tự lập trong cuộc sống.
Tân cử nhân ngành Truyền thông chuyên nghiệp khẳng định chặng đường bốn năm qua đã nuôi dưỡng sự tự tin và lòng nhân ái của bản thân.
Hoàng Nhật Minh trong ngày tốt nghiệp đại học. |
“Mọi người ở RMIT luôn tôn trọng em mặc dù em là người khuyết tật. Các thầy cô thường khuyến khích em sử dụng các chất liệu và cảm hứng từ chính cuộc sống của mình để đưa vào bài tập, và em rất biết ơn vì điều đó”, Minh chia sẻ.
Minh xúc động nhớ lại: “Có lẽ người để lại ấn tượng lớn nhất với em là cố giảng viên Tiến sĩ Bennett McClellan. Thầy đã tin rằng em có thể sử dụng máy ảnh mặc dù là người khiếm thị và em có thể chỉnh sửa video thành thạo như những sinh viên có thị lực bình thường”,
Sau thời gian thực tập, Minh đã nhận được công việc tại phòng Truyền thông và Gây quỹ của tổ chức từ thiện Saigon Children, chuyên phụ trách mảng nội dung trang web. Đồng thời, Minh là điều phối viên cho dự án truyện tranh về an toàn mạng của tổ chức này.
Minh tiết lộ rằng trước khi có được công việc hiện tại, cậu đã trải qua một khoảng thời gian ngắn khá lo lắng vì hai tổ chức khác trước đây có ý định tuyển dụng Minh đã phải thu hồi lại lời mời làm việc do ảnh hưởng của COVID-19.
“Nhờ cổng thông tin tuyển dụng CareerHub của RMIT, em đã có ba tháng thực tập tại tổ chức Saigon Children. Sau đó, em được gia hạn thêm một tháng thực tập rồi trở thành nhân viên của tổ chức này” Minh chia sẻ.
Minh kể em quyết định học truyền thông vì đây là một ngành rất đa dạng, cần nhiều sự năng động và có tính cạnh tranh cao. Truyền thông đối với em là truyền thông theo hướng thiện nguyện, truyền thông theo hướng giáo dục đặc biệt chứ không phải truyền thông theo hướng kinh doanh.
Bất cứ tổ chức nào, dù là doanh nghiệp, cơ sở giáo dục hay tổ chức phi chính phủ đều cần truyền thông để phát triển. Trong thời đại 4.0 nếu mình không có thương hiệu cho riêng mình thì sẽ rất khó để có thể có tiếng nói trong xã hội vì khó xây dựng được hình ảnh và uy tín.
“Em rất vui khi được tiếp tục bước trên con đường mình đã chọn, đó là làm công việc liên quan đến giáo dục đặc biệt và công tác xã hội. Đây là một lĩnh vực hẹp nhưng phù hợp với năng lực, tính cách cũng như kinh nghiệm của em”, Minh nói
Chia sẻ về ước mơ trong tương lai, Minh nói trong thời đại công nghệ, khi mọi thứ đều thay đổi chóng mặt thì bất cứ ai cũng phải cập nhật, phát triển bản thân để không bị tụt hậu.
Trong 2 năm tới, em sẽ vẫn phục vụ cho 2 lĩnh vực mà em yêu thích đó là giáo dục đặc biệt và công tác xã hội. Đồng thời, em sẽ tiếp tục tham gia những khóa học và hội thảo liên quan đến những vấn đề này để nâng cao trình độ. Ngoài ra, em dự định tiếp tục phát triển các kênh truyền thông của những nơi em đang cộng tác và phát triển kênh podcast của riêng mình.
Tiếp đó, em sẽ nộp hồ sơ ứng tuyển học tiếp Thạc sỹ Giáo dục Đặc biệt tại nước ngoài và sẽ không dừng lại ở đó.
Cô Carol Witney, Quản lý Dịch vụ bình đẳng giáo dục tại Đại học RMIT chia sẻ thêm: “Trong thời gian học đại học, Minh đã hỗ trợ rất nhiều cho các sinh viên khác. Không chỉ chăm sóc về tinh thần hay hỗ trợ kỹ thuật, cậu ấy còn tư vấn để trường đẩy mạnh áp dụng các phương pháp dạy và học tốt nhất bao gồm Thiết kế phổ quát cho học tập. Tôi rất mong được chứng kiến những dự án và sáng kiến tuyệt vời tiếp theo mà Minh sẽ tham gia trong sự nghiệp”.
Minh rất vui khi biết Đại học RMIT đã tăng số lượng học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên 6 suất năm nay. Theo Minh, các bạn học sinh mong muốn vươn tới Học bổng Chắp cánh ước mơ nên dành thời gian tìm hiểu những mối quan tâm thực sự của bản thân và xác định chương trình học yêu thích, đồng thời tận dụng tất cả những hỗ trợ có sẵn.
“RMIT đã cho em sự tự tin, kiến thức và những kỹ năng tuyệt vời. Em hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn nhận được những cơ hội và trải nghiệm học tập như em từng có”, Minh nhắn nhủ.
Hoàng Thanh