Hàng loạt vụ nữ sinh “ăn đòn” tàn nhẫn: Cha mẹ làm gì để bảo vệ con?
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ việc nữ sinh đánh nhau, nữ sinh hành hung bạn học vì những lí do rất không đáng.
Cụ thể, mạng xã hội mới đây xuất hiện clip nữ sinh đánh hội đồng bạn học tàn nhẫn tại Trường THCS Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai).
Theo clip thì 3 nữ sinh đã túm tóc, tát, đấm đá vào mặt, vào người một nữ sinh khác mặc cho nạn nhân van xin. Nguyên nhân được biết đến là do nữ sinh này nhắn tin với thanh niên được cho là người yêu của một bạn trong nhóm kia.
Kế đó, tại Hà Nội cũng xuất hiện vụ bạo lực học đường xuất phát từ hiểu nhầm về chuyện tình cảm giữa hai nữ sinh với một nữ sinh khác. Nữ sinh cấp 2 đi nhờ xe của một bạn nam khiến cho "đàn chị" tưởng em út dám "xía" vào tình yêu của mình liền... đi đánh ghen.
Cách đây 2 ngày, một nữ sinh THCS trên địa bàn quận Hà Đông (TP.Hà Nội) cũng bị bạn đánh hội đồng.
Nữ sinh này bình thường rất ngoan hiền, nhanh nhẹn và hoạt bát. Nhóm đánh nữ sinh cho biết, nguyên nhân đánh bạn là "nhìn không thấy thích nên đánh".
Vậy bố mẹ phải làm sao để có thể bảo vệ con mình khỏi những trận đòn tê tái bất ngờ tới từ bạn học?
Nữ sinh tại quận Hà Đông (Hà Nội) bị đánh hội đồng chấn động não, rạn thành dưới xoang hàm. |
Theo cô Lê Thị Loan – Phó trưởng Khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), có một thực tế là hiện nay nhiều giáo viên gặp vấn đề về tư vấn tâm lý, tình yêu cho học trò.
Trong khi đó các em không chỉ yêu sớm mà cách thể hiện tình yêu, cách ghen tuông của các em cũng rất dữ dội, sự khẳng định “chủ quyền” luôn được đặt lên số 1. Vì thế, chỉ cần một bạn gái nào lảng vảng quanh người yêu mình là các em sẵn sàng “tung cước” bất chấp hậu quả.
“Đa số nữ sinh hiện nay bước vào tình yêu như tờ giấy trắng. Các em không được giáo dục về tình yêu, tình dục một cách bài bản trong khi thời đại công nghệ 4.0 nhan nhản các clip về đánh ghen, lột đồ...
Nếu ngồi lại và nhìn nhận chúng ta sẽ thấy những nữ sinh đi túm tóc, đấm đá bạn đều là những em sống trong gia đình thiếu hạnh phúc, các em muốn thể hiện bản thân và đa số các em có tâm lý bấu víu, dốc hết hy vọng vào người yêu. Đôi khi các em coi người yêu là tất cả, nếu ai dám xâm phạm thì các em sẵn sàng chiến đấu”, cô Loan nói.
Theo cô Loan, bạo lực học đường có những dấu hiệu tiềm ẩn thông qua các ứng xử hàng ngày giữa học sinh với nhau, nếu để ý kỹ bố mẹ hoặc giáo viên đều có thể nhận thấy.
Các dấu hiệu như cái nhìn thiếu thân thiện, trêu đùa quá khích, tẩy chay, nói xấu nhau…. đều là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bạo lực học đường.
“Hơn ai hết, cha mẹ nên dạy con những kỹ năng nhận biết các dấu hiệu có nguy cơ bạo lực học đường, trẻ sẽ biết cách né tránh khỏi khả năng bị bắt nạt. Trong các vụ bạo lực học đường, trẻ đều phải gánh chịu tổn thương về sự phát triển tâm sinh lý, nhân cách.
Thông qua những sự việc có thể được chứng kiến, qua sách vở hay phim ảnh, cha mẹ hãy dạy con kỹ năng nhận biết, đánh giá các hành vi, phân định được đâu là hành vi đúng/ sai, tốt/ xấu. Nhờ đó, trẻ sẽ biết được gây ra bạo lực học đường là hành vi xấu và sẽ lựa chọn cách ứng xử phù hợp”, cô Loan phân tích.
Còn theo thầy Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hiệp Hội tâm lý giáo dục, muốn giải quyết căn bản tình trạng bạo lực học đường thì bản thân gia đình và nhà trường phải kết hợp rất tốt trong việc giáo dục học sinh, nhất là học sinh ở lứa tuổi nổi loạn.
Ngoài ra, các nữ sinh không nên đi một mình. Các em nên đi theo nhóm một cách an toàn, đặc biệt nữ sinh hạn chế tối đa việc đi qua khu vực vắng người.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, các cơ quan an ninh cần vào cuộc và có biện pháp mạnh với những người có hành vi hành hung, đánh người.
“Cùng với giáo dục tâm lý, chúng ta chỉ có thể ngăn chặn hành vi côn đồ đó bằng luật pháp, bằng chế tài xử phạt mạnh tay”, thầy Lâm nói.
Hoàng Thanh