Giới trẻ "trốn nhà" ăn Tết xa
Tết là cơ hội để những ngươi con xa quê hương trở về với gia đình. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều người cho rằng Tết ngay nay đã dần mất đi phong vị và chất nguyên bản quý giá của nó.
Có thể nói, với trẻ em, Tết vẫn là một dịp vui nhưng đối với người lớn đã trở thành “của nợ” bởi trăm nỗi lo đổ lên đầu vì phải sắm đủ thứ chuẩn bị cho Tết, như quần áo mới cho con, tiền lì xì, tiệc tùng, nhậu nhẹt... và người trẻ bắt đầu đang dần có xu hướng ăn chơi, hưởng thụ vào dịp Tết.
Bạn trẻ Cao Dương Tâm Linh là một ví dụ. Là người có thành tích trong 4 năm đã đặt chân tới 38 tỉnh thành (gồm hơn 100 địa danh cả nước, chinh phục 4 cực Tổ quốc, đi được 3 nước Lào, Campuchia, Thái Lan, sang được vài huyện biên giới Trung Quốc)...
Tết là những chuyến đi
Cao Dương Tâm Linh tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện đang làm công việc tự do (Freelancer) tại TP.HCM, cô là người nghiện du lịch và đặc biệt thích đi du lịch trong dịp Tết bởi theo cô, Tết là dịp để mình tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán Tết từ các vùng miền trên cả nước.
Theo chia sẻ của Linh, là một người trẻ, cô thích đi du lịch hơn là ở nhà lặp đi lặp lại những kịch bản Tết hàng năm. Đây không phải là không trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, mà đơn giản là cô chỉ muốn người trẻ biết tận hưởng Tết một cách tươi mới và năng động hơn.
“Đi du lịch, bạn sẽ biết thêm nhiều nét văn hóa đón Tết cổ truyền ở các địa phương khác nhau, tận hưởng không khí Tết ở một không gian khác so với bao nhiêu năm ngồi ở nhà. Hơn nữa, đối với mình thì tại lứa tuổi chênh vênh mới bước vào đời mới đi làm thu nhập không cao, đã qua tuổi được lì xì và phải lì xì lại cho các bé, thật sự ''đi trốn'' là một cách giải quyết hay” – Tâm Linh chia sẻ.
Với tâm trạng đó, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, khi người người nhà nhà nô nức chuẩn bị trở về với gia đình thì đó lại là thời gian mà Linh bắt đầu xách ba lô lên để thực hiện hành trình khám phá Tết của mình. Những lần đó, Linh đón Tết cùng những gia đình khác khắp đất nước. Thường thì cô nàng sẽ về nhà một người bạn nào nên không tốn kém lắm. “Ăn tết xa nhà, thường mình sẽ về một vùng nông thôn nào đấy. Thường là phải đánh tiếng trước với bạn đó để xin phép gia đình họ, nếu đồng ý thì vô tư, mình sinh hoạt như con cháu trong nhà luôn. Có gia đình bạn mình ở Vinh, mấy năm liền mình đều về đó ăn tết, thậm chí nhà bạn còn hỏi tết này Tâm Linh có về không. Mình thấy thân quý vô cùng”.
Ngoài ra, mình thích không khí sum vầy dân dã ở miền quê, ngồi nấu nướng bên bếp củi đỏ ửng cả mặt rồi hì hục bơm nước rửa cả núi chén đĩa cùng mọi người, vui hơn hẳn ở thành phố” – Linh cho biết thêm.
Những chuyến đi cũng đã cho Linh thêm nhiều trải nghiệm và kiếm thức về phong tục tập quán các vùng miền trong cả nước mà theo cô chia sẻ nếu cứ ở lì ở nhà thì sẽ không bao giờ biết được. “Tết năm 2013 mình được về một miền quê Thanh Hoá, gia đình này nấu bánh chưng để bán, đã kiên nhẫn ngồi dạy mình cách gói bánh từ cách dùng khuôn cho đến cách không dùng khuôn. Bây giờ có thể nói mình tự tin gói bánh rồi, nhờ tết năm ấy” – Linh chia sẻ.
Tết hòa nhập chứ không hòa tan
Là người cả năm xa nhà, nhưng cô nàng lại được bố mẹ cho phép chuyện xê dịch trong dịp tết. Chia sẻ về điều này, Linh cho biết bố mẹ ủng hộ việc cô còn trẻ nên đi khám phá văn hóa các nơi để tích lũy kiến thức và trau dồi vốn sống. Tuy vậy, Linh vẫn phải chịu những bài "kiểm tra" của gia đình để đảm bảo không quên đi những nét giá trị văn hóa truyền thống của ngày Tết cổ truyền.
“Những ngày cận tết, mẹ mình sẽ đưa mình cùng đi sắm đồ Tết để xem con gái có biết mua đồ phù hợp, chi tiêu cân đối không. Lúc rảnh rỗi cùng cắm hoa, dọn nhà, mẹ sẽ hỏi về các lễ nghĩa trong ngày Tết. Ngoài ra, mẹ sẽ đưa ra bài tập bắt mình lên danh sách các món ăn cần có trong những ngày tết trước khi đi đâu thì đi. Và cũng phải cảm ơn những chuyến đi đã giúp mình có nhiều vốn sống và giỏi hơn cả về nữ công gia chánh”.
Mặc dù là người rất ham mê xê dịch vào dịp tết nhưng Linh vẫn giữ nguyên vẹn những suy nghĩ, những giá trị tốt đẹp của ngày tết Cổ truyền. Theo linh, Tết Nguyên Đán cổ truyền là một nét văn hóa lâu đời của Việt Nam và cũng là dịp để mọi người đoàn viên cùng gia đình, người thân, cũng như kỳ nghỉ Giáng sinh - tết Dương lịch của người phương Tây. “Đúng ra Tết ta thì theo lịch ta, tại mình theo lịch Tây nên ''ăn theo'' một cái Tết dương nữa thôi. Mình hòa nhập chứ không thể hòa tan. Vả lại, vì ăn Tết theo 2 lịch nên có 2 kỳ nghỉ hơi ''mất thời gian'', chứ đúng ta Tết ta chỉ có 3-5 ngày, vì thế không thể nói rằng Tết là tốn kém được, chỉ là do cách mình đón nhận như thế nào thôi” – Linh cho biết.
Nữ Phượt thủ trẻ tuổi chia sẻ, nếu cả năm đã ở bên gia đình, thì có thể tranh thủ dịp tết cả nhà rủ nhau đi du lịch hoặc bạn tự đi, vì chỉ có mấy ngày nghỉ dài họ muốn dành để nghỉ dưỡng và làm những việc mình thích. Miễn là bạn hiểu về Tết đúng nghĩa, chứ không phải cứ tham gia mới là đúng thuần phong mỹ tục.
Năm nay, Linh sẽ ở Sài Gòn ấm áp chứ không về với không khí lạnh Hà Nội. Theo chia sẻ, cô nàng sẽ đi thăm các họ hàng đang sống trong này, đến nhà các bạn người miền Nam để xem họ ăn tết thế nào. Sau đó sẽ đi du lịch ở một nào đó gần gần một mình trước khi kết thúc kỳ nghỉ. Hơn nữa, Tết này Linh có trông giúp chó mèo cho các bạn về quê, đây cũng là một trải nghiệm khá thú vị của cô nàng.