Giếng khoan tự phun trào nước
Giếng nước có thể cung cấp nước cho nhiều hộ sử dụng mà không cần đến máy bơm hút. Giếng này cách giếng khoan của một hộ dân khác khoảng 100m cũng tự phun trào nước trước đây hơn nửa năm.
Bà Hiền mở van để nước từ giếng khoan của gia đình tự chảy vào thùng vào sáng 2/11 - Ảnh: N.QUANG |
Chủ nhân của giếng khoan này là ông Lê Văn Tưng. Giếng được khoan ở dưới chân một quả đồi, cao hơn mặt đường khoảng 3m. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, vợ ông Tưng cho biết, chi phí để khoan giếng nước này là 8 triệu đồng. Khi thợ khoan được 8m thì gặp đá, phải dùng máy và mũi khoan lớn, sắc nhọn thì mới có thể tiếp tục khoan. Khi thợ khoan xuống độ sâu 24m thì bỗng nhiên nước từ dưới lòng đất phun trào lên cao 2 đến 3m, trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Sau khi khoan giếng, ngoài lắp đặt mô tơ điện và ống dẫn nước để hút nước lên hồ chứa của gia đình cao khoảng 4m cách giếng 25m, bà Hiền còn lắp đặt 3 van nước để sử dụng trước sân nhà, dẫn nước đến các hộ dân xung quanh và xả nước ra vườn nhằm tránh vỡ đường ống.
Khi gia đình ông Tưng và các hộ dân xung quanh không sử dụng nước thì phải mở van dẫn nước ra vườn để giảm áp lực đường ống trong giếng khoan. “Vừa rồi, giếng nhà bà Đoàn Thị Hoan bị cạn nước, bà mua ống dẫn nước dài 30m, dẫn nước từ giếng khoan nhà tôi đến giếng nhà bà. Chỉ trong 1 đêm là giếng nhà bà Hoan đầy nước, sử dụng mấy ngày mới hết”, bà Hiền nói.
Điều đáng nói là giếng khoan của gia đình ông Tưng cách giếng khoan của gia đình ông Hồ Văn Thương chừng 100m về hướng tây, cũng tự phun trào nước cách đây hơn nửa năm và hiện vẫn còn phun trào. Nước của 2 giếng này đều trong, không màu, không mùi, không vị, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của 2 gia đình và hàng chục hộ dân lân cận.
Ngày 2/11, ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT Phú Yên) khẳng định, hiện tượng nước tự phun là do áp lực tự nhiên.
Ông Như cho biết, theo đánh giá của tổ chức JICA (Nhật Bản) khu vực xã An Mỹ nằm trên một dải nước ngầm lớn và tổ chức này đã tiến hành khoan 2 mũi khoan thăm dò tại khu vực Nhà máy lắp ráp ô tô JRD nhưng không gặp mạch nước ngầm mạnh. Nhiều khả năng giếng nước của gia đình ông Thương và ông Tưng nằm trong khu vực giải nước ngầm lớn mà JICA đã đánh giá.
“Nghiên cứu và khai thác nước ngầm tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ của tổ chức JICA cho thấy lượng nước ngầm tại xã An Mỹ tương đối lớn. Chỉ cần đặt 2 đến 3 giếng khoan cách nhau 500m thì có thể khai thác được lượng nước lớn, đủ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân xã này”, ông Như nói, đồng thời cho biết thêm: Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn sẽ phối hợp với ngành Y tế lấy mẫu nước để kiểm nghiệm các chỉ số hóa, lý, qua đó biết nguồn nước từ 2 giếng khoan này có an toàn hay không.
Theo Nguyễn Quang/ Phú Yên online