Giây phút ngàn khối đất đá ập xuống qua lời kể của nạn nhân vụ sập hầm
Tai họa bất ngờ
Đêm 19/12, tất cả 12 công nhân trong vụ sập đường hầm dẫn nước công trình Thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) được đội ngũ y bác sĩ phối hợp chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Hầu như sức khỏe tất cả mọi người đều đã ổn định, riêng chị Đặng Thị Hồng Ngọc (sn 1988, Nghệ An) bị suy nhược nên cần sự chăm sóc đặc biệt.
Nằm trên giường bệnh với vẻ mặt mệt mỏi, anh Trương Tuấn Việt (sn 1980, quê TP. Hà Nội) kể lại phút giây hàng ngàn khối đất đá trong hầm đổ sập.
Ông Đăng được người thân chăm sóc |
Theo anh Việt, sáng 16/12, như một ngày bình thường khác, tổ công nhân của anh Việt vào hầm làm việc. Khi mọi người đang lúi húi đào, xúc thì nghe tiếng động mạnh “rầm! rầm!” vang lên. Ngay sau đó lớp đất đá thuộc đoạn hầm đã đào và gia cố trước đó đổ sập xuống. Một số người hô hoán “sập hầm rồi…!”. Ai nấy đều hốt hoảng nhưng không kịp thoát ra ngoài.
“Vài phút sau, lúc đã trấn tĩnh được tinh thần, chúng tôi tìm hướng đào đường thoát ngược ra hướng cửa hầm. Nhưng tất cả đều thất vọng khi biết điều đó là không thể”, anh Việt nói.
Trong nhóm công nhân bị nạn có ông Phạm Xuân Đăng (sn 1964, quê Vĩnh Phúc). Dù là người lớn tuổi nhất trong nhóm bị mắc kẹt nhưng khi được đưa ra khỏi đường hầm ông Đăng vẫn tự bước đi khá vững. Ông chia sẻ từng có nhiều năm làm việc tại các công trình thủy điện nên đã quen với điều kiện khắc nghiệt. Tuy nhiên nhiều giờ trôi qua bị mắc kẹt trong hầm mà không thấy động tĩnh gì nên có lúc ông đã nghỉ tới trường hợp xấu nhất.
“Phải đối mặt với cái lạnh, cái đói, nhìn đâu cũng chỉ là màn đêm nên có thời điểm mọi người tưởng chừng sẽ không ai sống sót nổi. Lúc tôi biết các công nhân bên ngoài ngoài đang tìm cách cứu là khi tụi tôi thấy mũi khoan đưa đường ống cung cấp oxy vào tới khu vực hầm sập”, ông Đăng thuật lại.
Trở về từ lòng đất
Trong gần 80 giờ bị cô lập, khi được hỏi hầu hết tất cả công nhân đều cho biết thấy thời gian kéo dài bằng cả tháng. Điều kiện trong hầm trở nên xấu đi khi mực nước ngày một dâng cao.
“Lúc đó ai cũng sợ sẽ chết vì lạnh. Nước dâng ngang hông khiến mọi người run rẩy. Thời điểm mọi người vững tinh thần nhất là khi sữa, cháo loãng được tiếp tế qua đường ống nhựa, cũng như việc trò chuyện được với người bên ngoài”, anh Hoàng Anh Văn (sn 1980, quê Nam Định), một trong những công nhân bị mắc kẹt cho hay.
“Biết mọi người bên ngoài đang tìm cách cứu nên ai cũng chờ mong. Chiều nay khi nghe tiếng khoan, đào ngày càng rõ nên mừng lắm. Việc đầu tiên khi ổn định sức khỏe là tôi gọi điện thoại thông báo cho nhà”, anh Huỳnh Anh Tuấn nhớ lại.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thăm hỏi, động viên tinh thần các công nhân. |
Chị Ngọc là phụ nữ duy nhất trong nhóm công nhân bị mắc kẹt. Do sức khỏe yếu nhất nên chị Ngọc được mọi người ưu tiên cho ngồi giữa để có hơi ấm. Kể cả tới lúc cháo loãng vào được thì chị cũng được ưu ái dành phần. Nhưng khi được dìu ra khỏi hầm không lâu thì chị Ngọc đã ngất xỉu.
Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng nữ công nhân này được đưa vào phòng cách ly, chăm sóc đặc biệt.
PGS-TS Nguyễn Văn Khôi - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM dẫn đầu nhóm chuyên viên, y bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu được điều động trong chiều 19/12 đến để hỗ trợ công tác sơ cấp cứu, cho biết sẽ tiến hành kiểm tra tổng quát, xét nghiệm, cũng như tiếp tục theo dõi sức khỏe các nạn nhân.
Cũng trong đêm 19/12, nhiều lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, trong đó có ông Đoàn Văn Việt – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã có mặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh động viên tinh thần, hỗ trợ cho 12 công nhân vừa thoát nạn. Các vị lãnh đạo Nhà nước là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khen thưởng cho các lực lượng cứu hộ.