Giật mình nhiều tuyển thủ eSport Việt Nam thu nhập tiền tỷ
Minh chứng cụ thể được dẫn trong báo cáo vừa được công bố ngày 4/6/2018 là thu nhập của một số tuyển thủ eSport Việt Nam nổi tiếng như: Trần Minh Nhựt (ID là Archie, SN 1992), lương tuyển eSport khoảng 30 triệu đồng/tháng, tổng tiền thưởng khoảng 1,7 tỷ đồng; Trần Văn Cường (ID Optimus, SN 1996), tổng tiền thưởng khoảng 1,4 tỷ đồng; Lê Quang Duy (ID SoFM, SN 1997), lương tuyển eSport khoảng 5.000 USD/tháng, tổng tiền thưởng khoảng 825 triệu đồng; Nguyễn Đức Bình (ID Chim Se Di Nang, SN 1996), lương tuyển eSport khoảng 5 triệu đồng/tháng, tổng tiền thưởng 413 triệu đồng; Hoàng Văn Khoa (ID Pew Pew, SN 1991), thu nhập khoảng 30-100 triệu đồng/tháng; Đặng Tiến Hoàng (ID Viruss), thu nhập khoảng 30-100 triệu đồng/tháng...
Nghề streamer hay caster (bình luận viên) đã ra đời, trở thành một nghề hot trong giới trẻ Việt Nam. Các streamer, caster hưởng thu nhập từ nhiều nguồn như: tiền quảng cáo, tài trợ từ các nhãn hàng; tiền tài trợ, thuê stream game từ các nhà phát hành; chia tiền quảng cáo từ các nền tảng stream; tiền thuê stream, bình luận từ các giải đấu; tiền ủng hộ, mua vật phẩm từ người hâm mộ.
Các tuyển thủ eSport Việt Nam giành chiến thắng tại giải đấu thể thao điện tử châu Á Đột kích CFSI năm 2015. Ảnh minh họa: Internet. |
Cũng theo báo cáo eSport Việt Nam năm 2018, tổng tiền thưởng các giải eSport tại Việt Nam từ năm 2012-2017 là hơn 38 tỷ đồng. Dù mới phát triển từ năm 2015 nhưng giải thưởng eSport trên thiết bị di động cũng đã chiếm hơn 11 tỷ đồng trong tổng số giải thưởng từ năm 2015 – 2018.
Chỉ tính riêng đầu năm 2018, những giải eSport quốc nội có cơ cấu giải thưởng lên đến gần 8 tỷ đồng, thu hút hàng triệu lượt xem, với số tiền tài trợ khổng lồ từ các nhãn hàng. Đó chính là một phần lý do khiến eSport chuyên nghiệp là một nghề được trả lương, tạo ra nhiều việc làm cho các bạn trẻ tài tăng. Đây là miếng bánh lớn cho các bạn trẻ kiếm tiền chân chính từ việc chơi game.
Cùng với sự công nhận là bộ môn thể thao chuyên nghiệp, eSport sẽ xuất hiện trên các đấu trường thể thao danh giá quốc tế như Asia Game, Thế vận hội Olympics, đem lại một sân chơi lành mạnh, cơ hội trở thành vận động viên chuyên nghiệp cho các game thủ.
Với việc eSport đã được đưa vào thi đấu tại Thế vận hội châu Á, các đội tuyển, người chơi chuyên nghiệp của Việt Nam sẽ thi đấu trong màu cờ sắc áo Tổ quốc, thì sẽ có cơ hội tạo ra làn sóng mới như hiện tượng đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam đã từng làm.
Dự báo tổng doanh thu eSport trên toàn thế giới đến năm 2021 sẽ là 1,6 tỷ USD, tổng số người xem đến năm 2021 là 557 triệu người. Số lượng người hâm mộ thể thao điện tử tại Việt Nam tính đến năm 2016 là 2,8 triệu người, dự đoán đến năm 2021 sẽ tăng lên 9,1 triệu người.
Tại Việt Nam, các hệ thống giải đấu bán chuyên và chuyên nghiệp thời gian tới sẽ tiếp tục xuất hiện; Tổ chức đội tuyển thi đấu chuyên nghiệp có huấn luyện viên, trả lương và phúc lợi xã hội đầy đủ; Luật thi đấu, quy tắc ứng xử, luật chuyển nhượng sẽ được đưa ra một cách chuyên nghiệp, góp phần thay đổi định kiến của xã hội về game.