Giáo viên trường công được dạy thêm với điều kiện nào?

Theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT, giáo viên trường công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành văn bản gửi trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, TP về việc nghiêm cấm dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học. Theo đó, Sở này nghiêm cấm giáo viên cấp tiểu học tổ chức dạy thêm, học thêm. Nếu để xảy ra vi phạm, hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ĐB Nguyễn Văn Huy (tỉnh Thái Bình) đã nêu tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Ông Huy cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT nhanh chóng, khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh, giáo viên... Vậy hiện nay, Bộ GD-ĐT đang có những quy định như thế nào về dạy thêm học thêm được áp dụng trong các nhà trường và đối với giáo viên?

Các nguyên tắc dạy thêm, học thêm

Hơn 10 năm trước - năm 2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành riêng một quy định về dạy thêm học thêm và hiện nay vẫn còn hiệu lực.

Đó là Quy định về dạy thêm, học thêm được ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012. Tại quy định này nêu rõ 5 nguyên tắc dạy thêm, học thêm (Điều 3) như sau:

Thứ nhất, hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.

Thứ hai, không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

Thứ ba, đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

Thứ tư, không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.

Thứ năm, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Tại Điều 4 quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm. Đó là: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Đối với việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, quy định của Bộ GD-ĐT nêu rõ: Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết.

Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh.

Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm, phân công giáo viên dạy thêm, xếp thời khoá biểu dạy thêm phù hợp với học lực của học sinh.

Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, việc thu và quản lý tiền học thêm (quy định tại Điều 7) để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.

Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.

Yêu cầu đối với người dạy thêm

Theo Điều 8 của Thông tư số 17, người dạy thêm phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục; Có đủ sức khoẻ; Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật; hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác; Không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

Được thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc Chủ tịch UBND cấp xã xác nhận các nội dung quy định tại khoản 3, khoản 4 điều này (đối với người dạy thêm ngoài nhà trường). Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập phải được thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép.

Người tổ chức học thêm, dạy thêm phải đáp ứng các yêu cầu sau: Có trình độ mà được đào tạo tối thiểu tương ứng của giáo viên; Đủ sức khỏe; Không thuộc các trường hợp đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, kỷ luật, chấp hành về án phạt tù, bị quản chế, cải tạo không giam giữ hoặc bị áp dụng với biện pháp giáo dục ở xã phường, thị trấn; đưa vào các cơ sở giáo dục, khám chữa bệnh; không bị buộc thôi việc do bị kỷ luật

Địa điểm tổ chức cần đảm bảo an toàn cho người dạy và người học, ở xa nơi có tiếng ồn, bụi, khí độc… Phòng học thêm cần đảm bảo về diện tích trung bình tính 1,1 m2 trên một học sinh trở lên, có đủ độ chiếu sáng, thông gió theo nhân tạo và tự nhiên, đảm bảo về tiêu chuẩn phòng bệnh, vệ sinh. Kích thước ghế, bàn học sinh, bố trí về bàn và ghế phải đảm bảo theo quy định. Bảng học phải là bảng chống lóa, các màu sắc, kích thước, cách treo đạt yêu cầu theo quy định. Có nơi chứa rác thải hợp vệ sinh, công trình vệ sinh.

Việc dạy thêm còn chịu chế tài bởi Nghị định 138/2013/NĐ-CP ban hành ngày 22/10/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Tại nghị định này, Điều 7 quy định rõ các mức phạt khi vi phạm quy định về dạy thêm như sau:

1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về dạy thêm theo các mức phạt sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng;

c) Từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép;

d) Từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6 đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12 đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này;

b) Buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c và d Khoản 1 Điều này.

Cuộc đua khốc liệt vào lớp 10: Con ôn thi, cả nhà phải ‘đi nhẹ, nói khẽ’

Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay tiếp tục "tăng nhiệt" khi số thí sinh tăng, tỷ lệ chọi cao. Đồng hành cùng con trong kỳ thi này, nhiều phụ huynh thừa nhận, họ áp lực hơn cả thí sinh.

Nữ sinh Nghệ An hỏi cách nói giọng Bắc, MC Khánh Vy xử trí bất ngờ

Một nữ sinh người dân tộc ở Nghệ An đã hỏi MC Khánh Vy cách làm sao để có thể nói giọng Bắc hay, qua đó giúp bản thân tự tin hơn tại ngày hội sinh viên các dân tộc do trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức mới đây.

'Nói không' với trung tâm, mẹ dạy từ số 0 đến thuyết trình tiếng Anh trôi chảy

Vì tính chất công việc bận rộn, chị Huyền từng có ý định gửi gắm con vào các trung tâm tiếng Anh. Nhưng tham khảo nhiều nơi, không có lộ trình nào khiến chị cảm thấy phù hợp. Cuối cùng, bà mẹ này quyết định tự đồng hành cùng con tại nhà.

Trường ở Hà Nội tăng học phí đột ngột, buộc học sinh thôi học nếu không nộp?

Mới đây, một số phụ huynh của trường THPT Hà Đông (Hà Nội) bày tỏ bất ngờ trước thông báo đột ngột tăng học phí và học sinh có thể phải thôi học nếu không đáp ứng được mức tăng này.

Nam sinh Hà Nội trúng tuyển 11 trường ĐH thế giới, học bổng lên đến 8 tỷ

Từ bỏ suất học bổng ở mức cao nhất dành cho sinh viên quốc tế tại đại học số 1 Canada, Lê Thanh Dũng dự định sẽ theo học tại Mỹ với suất học bổng hơn 8 tỷ đồng.

Không được tổ chức thi riêng, các trường tư Hà Nội tuyển sinh lớp 10 thế nào?

Sở GD-ĐT Hà Nội đã chính thức công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT tư thục và công lập tự chủ. Trong đó, năm nay, Sở yêu cầu các trường tư không tổ chức kỳ thi riêng.

'Xin phụ huynh hãy trả lại sự tôn nghiêm cho người thầy'

Chẳng thể chịu thêm áp lực, cùng đồng lương bấp bênh, chị nộp đơn xin thôi công việc đã gắn bó 5 năm, từng là niềm tự hào, mơ ước. Suốt chặng đường từ trường về nhà, chị òa khóc với quyết định của chính mình.

Nam sinh mồ côi bố giành học bổng 7 tỷ: Làm nghề bưng bê lấy tiền thi IELTS, SAT

Biến cố mất bố vào năm lớp 2 khiến Quang dần thu mình, không muốn giao tiếp với ai. Cho đến tận đầu năm lớp 8, em mới bắt đầu có khát khao xóa bỏ con người nhút nhát để bước ra khỏi vùng an toàn.

Đam mê về game đưa nữ sinh trúng tuyển ĐH Mỹ, học bổng 6,6 tỷ

Tự tin chọn lối đi riêng với niềm đam mê về game, Trịnh Bảo Hân (học sinh lớp 12 Anh 2 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) vừa giành học bổng trị giá 6,6 tỷ đồng vào ĐH Drexel, Mỹ.

'Tôi nghỉ việc để giữ sự uy nghiêm cuối cùng của người thầy'

Trước áp lực của học sinh và phụ huynh, sau một tình huống sư phạm gây tranh cãi, cô H. đã quyết định nộp đơn nghỉ việc, chia tay với nghề đã nhiều năm gắn bó.

Đang cập nhật dữ liệu !