Giáo viên nói gì về đề tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn tại Nghệ An?
Sau đây là đề đề tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn tại Nghệ An:
Đề thi Tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn của Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An năm nay giữ cấu trúc quen thuộc với hai phần: Đọc hiểu (2 điểm) và Phần làm văn (8 điểm). Tuy nhiên, điểm khác biệt ở phần Làm văn với câu nghị luận văn học (5 điểm) không còn được lựa chọn 1 trong 2 đề giống như đề thi năm 2018 – 2019. Cụ thể như sau:
Phần Đọc hiểu: bao gồm 4 ý, kiểm tra các kiến thức tương đối cơ bản cả về làm văn và Tiếng Việt. Tuy nhiên, câu 4 là một câu hỏi mở (Hỏi về thái độ ứng xử cảm động chan chứa tình người của người bà trong bài thơ) hướng đến vẻ đẹp tình người. Đây là điểm khác biệt so với phần Đọc hiểu năm ngoái và là đất để học sinh có thể bộc lộ quan điểm của cá nhân. Nhưng barem điểm cho phần này chỉ là 0,5 điểm nên học sinh cần lưu ý viết ngắn gọn, trọng tâm, tránh lan man sa đà để dành thời gian cho các phần nhiều điểm.
Phần Làm văn: Cấu trúc quen thuộc với 2 câu: Câu nghị luận xã hội và Câu nghị luận văn học.
Câu nghị luận xã hội là một bài văn độc lập với chủ đề được cho sẵn và nội dung mang tính định hướng theo hướng tích cực (niềm tin tạo nên sức mạnh). Học sinh không cần phải phân tích nhiều, chỉ cần tập trung lập luận, làm sáng tỏ vấn đề và bám sát cấu trúc của một bài văn nghị luận xã hội thông thường là có thể hoàn thành tốt câu hỏi này.
Câu 2 của phần Làm văn ra vào tác phẩm rất quen thuộc, dạng nghị luận về một đoạn thơ trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải. Người ra đề đã định hướng sẵn nội dung nghị luận là “ước nguyện” của nhà thơ . Thực tế, điều này không cần thiết bởi bản thân nội dung bao trùm hai khổ thơ đã là ước nguyện dâng hiến một cách khiêm nhường nhưng rất đỗi chân thành của nhà thơ khi nằm trên giường bệnh. Học sinh chỉ cần bám vào các tín hiệu nghệ thuật là có thể làm nổi bật được lời nguyện ước của nhà thơ.
Nhìn chung: Cấu trúc và hình thức đề thi không mới, sức viết của học sinh phần nào bị hạn chế bởi tính định hướng cụ thể của yêu cầu đề. Đề thi vừa sức cả với những học sinh trung bình và phù hợp với yêu cầu đại trà.