Giao thông Hà Nội khó "thông minh" nếu liên tục tắc đường, kẹt xe
|
Buýt nhanh cũng thành... buýt chậm do bị các phương tiện bủa vây". (Ảnh: Internet) |
Trong nỗ lực cải thiện hệ thống giao thông, từ tháng 7/2017, thành phố Hà Nội đã thông qua đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.
Theo đề án, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Ngoài ra Hà Nội cũng sẽ cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh.
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này, dư luận cho rằng việc hạn chế phương tiện xe máy là vội vàng, không khả thi do thực tế hạ tầng, giao thông công cộng tại Hà Nội chưa thực sự thuận tiện trong khi xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi tại Hội thảo Việt – Pháp về xây dựng đô thị thông minh diễn ra gần đây, các chuyên gia cho rằng việc hạn chế phương tiện xe máy tại Hà Nội từ năm 2030 sẽ là vấn đề gặp rất nhiều thách thức.
Đại diện đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp như EDF, Sixense… cho rằng nếu hạn chế phương tiện xe máy, thành phố Hà Nội phải đáp ứng được phương tiện di chuyển thuận lợi giữa các điểm. Nhưng với thực tế đường hỗn hợp như hiện nay, việc kết hợp các phương thức vận tải khác nhau, đáp ứng thuận tiện nhu cầu đi lại của người dân mà không phải là xe máy cũng không đơn giản.
Do đó, Hà Nội cần đẩy mạnh đầu tư để cải thiện được chất lượng giao thông công cộng, hạ tầng giao thông chung của thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của dân cư.
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, hệ thống giao thông tại Hà Nội được cải thiện rất lớn. Thế nhưng việc phát triển phương tiện công cộng chưa được như kỳ vọng: dự án tuyến đường sắt trên cao chưa đi vào hoạt động do bị chậm tiến độ; dự án xe buýt nhanh BRT bộc lộ nhiều bất cập. Tình trạng ùn tắc vẫn liên tục tái diễn.
Bên cạnh đó, đáng chú ý là Hà Nội đang hợp tác với các đối tác công nghệ thực hiện phát triển giao thông thông minh với kỳ vọng sẽ điều tiết giao thông hiệu quả, giảm ùn tắc đường.
Thành phố xây dựng bản đồ số, cung cấp cho người dân và cơ quan quản lý những thông tin toàn diện về tình trạng giao thông theo thời gian thực, danh mục các thiết bị hạ tầng giao thông (như bến xe, biển báo…), tích hợp với các phương tiện vận tải công cộng (xe buýt, tàu điện trên cao..)…
Đồng thời, người dân cũng được trực tiếp phản ánh, tiếp nhận thông tin cập nhật về tình trạng giao thông qua cộng cụ tương tác tự động trên mạng (chatbot).
Tuy nhiên xoay quanh vấn đề này, các chuyên gia cũng cho rằng nếu vấn đề hạ tầng giao thông còn bất cập, thì ngay cả việc đưa vào ứng dụng các giải pháp thông minh cho đô thị cũng khó phát huy được hết các hiệu quả như kỳ vọng.