"Giáo sư quần đùi": Kiên trì sẽ giúp mình hạnh phúc!
2017, GS Việt kiều Trương Nguyện Thành rần rần "nổi trên mạng" với biệt danh "giáo sư quần đùi". 2018, ông bất đắc dĩ nổi tiếng với việc không được công nhận làm hiệu trưởng một trường đại học tư thục.
"Tôi không nuối tiếc điều gì"
Nhiều người hỏi rằng sự việc ở Trường ĐH Hoa Sen không thành (việc ông Thành không được công nhận hiệu trưởng - PV) có làm tôi tiếc nuối điều gì không? Xin thưa rằng không. Có lẽ, tôi là người sống tích cực nên nhìn tất cả những sự kiện xảy ra trong cuộc sống ở khía cạnh tích cực nhiều hơn.
Hơn một năm làm việc ở trường đại học này, tôi học hỏi được rất nhiều điều mà không mấy giáo sư Việt kiều có cơ hội. Tôi hiểu được mọi quy trình từ quản lý đào tạo đến cơ sở vật chất, từ phát triển nhân sự đến hoạt động sinh viên… của một trường đại học ở Việt Nam. Điều này giúp tôi khi trở lại Mỹ có cơ hội nhìn nhận và đánh giá tính hiệu quả những gì mình đã làm.
Khi mới trở về, tôi mang theo phong cách làm việc dựa trên tính hiệu quả. Nhưng bây giờ, tôi hiểu được trong môi trường ở Việt Nam, điều ấy chưa hẳn tốt nhất.
GS Trương Nguyện Thành trong chuyến đạp xe xuyên Việt |
Tôi từng chia sẻ với giảng viên và nhân viên của Trường ĐH Hoa Sen rằng: “Sửa một chiếc xe cũ trong điều kiện phải duy trì tốc độ đang chạy của nó là một điều không đơn giản tí nào”. Và cũng vì thế mà tôi thấu cảm cho những thử thách mà Chính phủ đang phải đối đầu. Những thảo luận ở Quốc hội cũng như thay đổi trong Luật Giáo dục Đại học mới là sự phát triển tích cực.
Khi rời đi, điều tôi tiếc nhất là tình cảm chân thành mà giảng viên và sinh viên của trường này đã dành cho, và tôi không còn cơ hội được làm việc với họ. Tuy nhiên, tôi nghĩ mọi chuyện tùy duyên. Duyên đến và duyên đi.
Còn biệt danh "Giáo sư quần đùi" có khiến tôi phiền lòng không ư? Thú thực, tôi không thấy phiền với biệt danh ấy mà có phần nào tự hào, vì chính nó nói lên xã hội Việt Nam không phong kiến và bảo thủ như nhiều người nghĩ. Khi chưa hiểu rõ vấn đề thì có nhiều ý kiến phản đối, nhưng khi đã hiểu ra thì đa số chấp nhận được. Điều đó nói lên tính cầu tiến của người Việt.
Món quà Tết là chiếc kính tôi đeo nhìn có vẻ tri thức hơn
Tôi sống xa quê hương đã gần 40 năm rồi. Ở Mỹ không có nghỉ Tết (Lunar New Year) nên những ngày này ai cũng phải đi làm bình thường. Cuối tuần thì có thể tụ họp gia đình và bạn bè, chia sẻ những món ăn truyền thống để có chút hương vị ngày Tết. Thật sự cái không khí chuẩn bị Tết mới hào hứng, còn ba ngày Tết thì chỉ mấy đứa trẻ chờ tiền lì xì mong đợi. Nhưng cái không khí ấy hoàn toàn thiếu vắng ở nước ngoài. Với tôi, Tết là dịp cùng với mấy con gói bánh tét, làm mâm cỗ cúng ông bà để các con học một tí nét văn hóa người Việt.
Khi gần Tết, trẻ con Việt Nam đều háo hức chờ cha mẹ sắm cho bộ quần áo mới. Ngày còn nhỏ, tuy sống với ông bà nội ở Bồng Sơn, Bình Định nhưng hàng năm tôi cũng chờ món quà này từ cha mẹ.
Năm 1968, tôi lên 7 tuổi, không biết sao chờ hoài không thấy quà từ cha mẹ gửi qua xe đò về quê (sau này tôi mới biết vì chiến tranh nên giao thông không thuận tiện). Cô chú trong nhà biết tôi chờ nên chiều về không thấy quà đến thì chọc “Ba mẹ không còn thương cháu nữa, quên cháu rồi, thôi đừng chờ mất công”. Tôi ức quá nên bật khóc. Hơn một tuần trôi qua, vừa chờ, vừa tủi… Một ngày trước Tết thì món quà đến. Ôi, tôi vui quá chừng và cười tươi như chưa từng.
Ngoài bộ quần áo mới, ba mẹ còn gửi cho cặp mắt kính để đeo cho có vẻ thông minh (chứ không có bị cận). Chú Út chụp lại tấm hình để gửi lại cho ba mẹ.
Món quà tết là chiếc kính đeo trông thông minh hơn (Ảnh: NVCC) |
Thời gian ở Lái Thiêu (1976-1980) có thể nói là những năm khốn khó nhất đời tôi và cho cả gia đình. Ba thì bị liệt nửa người, mẹ thì bán nhu yếu phẩm như đường, bột ngọt, thuốc lá... trong một thúng nhỏ ở góc đường gần chợ Bà Chiểu. Còn tôi thì lo cho 5 em sống trên mảnh ruộng nhỏ ở Lái Thiêu.
Tết không vào mùa cày nên không kiếm được tiền từ cày mướn. Tôi trồng khoai, đậu, sắn để bán vụ mùa Tết. Từ 2-3 giờ sáng, tôi phụ hai em gái gánh hàng ra chợ Lái Thiêu để bán cho các lái buôn kiếm tiền giúp mẹ mua sắm Tết, cho các em và chi tiêu trong nhà.
Những năm ấy, Tết mang đến nhiều nỗi lo hơn là niềm vui. Nên sau này, khi qua Mỹ, tôi chỉ mang theo mình một suy nghĩ: “Khi bạn ở dưới đáy của xã hội, trừ khi bạn chấp nhận số phận, mọi phấn đấu ở bất kỳ hướng nào đều giúp bạn đi lên”.
Nếu nghĩ chạy xe ôm vài năm rồi mở công ty là ảo tưởng
Thời gian gần đây, báo chí nêu lên hiện tượng ngày càng nhiều bạn trẻ ở Việt Nam có bằng đại học nhưng chọn nghề chạy xe ôm. Nhiều bạn tự hào rằng, thu nhập còn nhiều hơn nếu đi làm đúng nghề.
Nghề chạy xe ôm thật sự không cần trình độ đại học. Vậy phải chăng, bạn đã bỏ phí 4-5 năm tuổi trẻ và tiền của từ cha mẹ trong thời gian học đại học đấy sao? Nếu 5-10 năm nữa nghề xe ôm không còn, bạn sẽ làm gì và giá trị của bạn là gì? Xe hơi không người lái đã có, không lâu nữa sẽ có xe xích lô không người lái - tôi đảm bảo với bạn là ở đâu đấy có người đang phát triển xe này.
Nhiều bạn nghĩ rằng mình chạy xe ôm vài năm, dành mớ tiền để làm chuyện khác như mở công ty.
Đây là một trong những ảo tưởng của giới trẻ. Một khi bạn có tiền thì sẽ có nhu cầu hưởng thụ. Khi nhu cầu hưởng thụ tăng lên thì khó mà cưỡng lại những việc làm theo kiểu mì ăn liền.
Khoa học đã chứng minh “trì hoãn hưởng thụ’ là một trong những tính cách cần thiết giúp con người thành công. Bạn muốn thành công trong tương lai nhưng lại không muốn trì hoãn hưởng thụ là điều bất khả thi.
Những ngày ở Việt Nam, tôi đã có cơ hội cùng con trai đạp xe xuyên Việt. Chuyến đi thực sự rất khó khăn nhưng hai ba con tôi đã hoàn thành rất tốt. Sau chuyến đi này, có người hỏi điều tôi muốn dạy con là gì?
Trong cuộc sống, ai cũng phải đối diện với nhiều thử thách từ công việc, tình cảm, gia đình, các mối quan hệ. Tâm thế và tính kiên trì sẽ giúp mình vượt qua để có cuộc sống bình an và hạnh phúc.
Qua chuyến đi, con trai tôi đã học được nhiều bài học quý giá: Bạn không cần phải cố gắng để vượt qua ai khác mà hãy tập trung để vượt qua chính mình. Khi bạn đã kiệt sức thì lúc ấy, ý chí mới định nghĩa được con người bạn. Điểm đích không quan trọng và quý giá bằng trải nghiệm dọc đường, vì đó mới là thứ giúp mình vượt qua những thử thách trong cuộc sống tương lai.