Giáo sư Phạm Gia Khải: Nếu không có sinh viên đỡ đạn chắc tôi đã không còn sống
Giáo sư Phạm Gia Khải |
Cả đời gắn bó với khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, cảm nhận từng sự thay đổi của nơi đây, ông luôn cảm thấy ấm áp. Lật từng trang ký ức của mình về gần 60 năm gắn bó với y khoa, Giáo sư Khải bồi hồi kể lại câu chuyện cách đây hơn gần 50 năm.
Đó là vào thời khắc Đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. Ngày đó, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội cũng bị giặc bắn phá, hứng trọn cả 100 quả B52. Nhưng tinh thần của các bác sĩ lúc đó thì vô cùng hùng tráng.
Ngày định mệnh ấy, giáo sư cùng các đồng nghiệp của mình đang làm việc. Ông nhìn lên bầu trời thấy phi công Mỹ đã nhảy dù. Cảm nhận có điều không lành sẽ xảy ra nên ông bảo các đồng nghiệp và học trò của mình chạy xuống hầm trú ẩn.
Trong giây phút giặc Mỹ thả bom vào ngay viện Tim mạch, ông kịp xuống hầm nhưng hầm nơi ông trú ẩn cũng lĩnh trọn quả bom. Trong giây phút đó, ông chỉ nghe thấy tiếng nữ sinh viên bảo “Thầy yên tâm, đã có em, thầy không phải lo”. Thân hình nhỏ bé của cô nữ sinh viên ấy đã che chắn cho người thầy giáo cũ của mình.
Một lúc bị choáng, giáo sư Khải bảo “tôi chỉ kịp bừng tỉnh khi thấy quanh mình là tóc, là máu của ai đó. Tôi sờ lên đầu mình không có máu, nữ sinh đã lấy thân mình che cho tôi bị thương nặng. Hoá ra là anh bạn đồng nghiệp đứng ngay sau tôi đã lĩnh mảnh đạn bay xiên ngang đầu. Tôi thật tốt phước nên được nữ sinh che chắn đạn”.
Giáo sư Khải cười: “Lúc ấy tôi thấy mình là đàn ông, là thầy giáo lại để nữ sinh bảo vệ. Cảm giác của phái mạnh có đến nhưng rồi nhanh chóng lạc đi bởi lúc ấy mới thầm thía tình thầy trò".
Với giáo sư Khải, học trò, người bệnh chính là động lực để ông phát triển. Nhưng ông luôn nói với mỗi học trò của mình rằng “tôi đi con đường của riêng tôi”. Mỗi người có một con đường riêng và họ nên đi con đường riêng của họ. Con đường mà giáo sư có thể bây giờ không còn phù hợp với những người trẻ hiện nay. Ngay cả với các con mình, ông cũng đưa ra triết lý đó.