Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Sẽ đưa vấn đề "hiến máu cứu người" vào nghị trường
Giáo sư Nguyễn Anh Trí đứng hàng đầu trong chương trình Hành trình Đỏ 2014. |
PV: Xin chào GS Nguyễn Anh Trí, là một thầy thuốc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, nếu trúng cử, trách nhiệm của ông sẽ rất nặng nề, bởi từ trước đến nay y tế luôn là đề tài nóng ở nghị trường. Nếu trở thành ĐBQH, ông có những đóng góp gì để nền y tế Việt Nam phát triển hơn và người bệnh đỡ khổ hơn?
Máu là một loại thuốc đặc biệt, chưa sản xuất nhân tạo được. Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1,8 triệu đơn vị. Những năm vừa qua, nhờ sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội, phong trào Hiến máu nhân đạo ở Việt Nam đã có những phát triển ngoạn mục, được xã hội công nhận, được quốc tế ngưỡng mộ.
Tuy nhiên mới chỉ đáp ứng khoảng 60%, còn thiếu khoảng 40% nữa. Không thể để bệnh nhân khi cấp cứu, bị các căn bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn giao thông …cần máu mà bị tử vong do không có máu để điều trị.
Đã đến lúc phải giải quyết thật tốt việc có máu phục vụ cho các chiến sỹ, các lực lượng, bà con nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đây là một vấn đề vừa có tính chuyên môn, có lòng nhân ái và có cả khả năng tổ chức, động viên quần chúng.
Giáo sư, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí mỗi năm đều hiến máu 3 - 4 lần |
Ngoài vấn đề “máu cứu người” ông còn trăn trở về vấn đề gì nữa ở nền y tế, đấu tranh cho y tế trong nghị trường?
GS. Nguyễn Anh Trí: Tôi ưu tiên đầu tiên và trăn trở nhiều nhất đó là căn bệnh tan máu bẩm sinh (bệnh Thalassemia). Đây là căn bệnh vô cùng nặng nề ở đất nước Việt Nam chúng ta, ước tính có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh, hơn 2 vạn người mắc bệnh; Mỗi năm có thêm 2.000 cháu bé ra đời mang gen bệnh; Tiêu tốn hàng năm hơn 2.000 tỷ đồng cho điều trị duy trì sự sống.
Cần phải có một chiến lược dài hơi, cần có sự cam kết của Chính phủ, vào cuộc của nhiều bộ ban ngành và cần có sự tích cực của các cán bộ y tế, nhiều chuyên khoa trong cả nước mới có thể hạn chế được bệnh này, nhằm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, đồng thời cải thiện nòi giống để dân tộc Việt Nam có thể khỏe mạnh hơn.
Ngoài ra, tôi sẽ góp tiếng nói để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động về Tế bào gốc ở Việt Nam. Có thể nói, Tế bào gốc (TBG) là một loại thần dược có thể chữa được rất nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh ác tính và bẩm sinh, di truyền.
Ở Việt Nam, TBG đã được ứng dụng ở một số cơ sở. Đặc biệt, Viện Huyết học và truyền máu TW đã ứng dụng TBG điều trị thành công hơn 200 ca bệnh ung thư máu, đã xây dựng thành công Ngân hàng TBG máu dây rốn cộng đồng – lấy từ cộng đồng và phục vụ cho cả cộng đồng.
Tuy nhiên để các hoạt động về TBG được tốt hơn, thành công hơn thì cần có những cam kết và đầu tư của Chính phủ một cách dài hạn và quy củ mới có thể có những thành công.
Thưa giáo sư, vấn đề y đức cũng là vấn đề thực sự nổi cộm hiện nay, người ta lên án y đức xuống cấp. Ông có ưu tiên về vấn đề này trong nghị trường không nếu trở thành ĐBQH khoá tới?
GS Nguyễn Anh Trí: Tôi cũng nghĩ như thế, y đức thực sự là vấn đề đang gây ra những bức xúc trong xã hội. Đâu đó vẫn còn thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, vô cảm của cán bộ y tế - do đó đã dẫn đến những hậu quả từ nhẹ đến nặng cho người bệnh.
Bộ Y tế đã có rất nhiều nỗ lực để ngăn chặn sự xuống cấp của Y đức, tuy nhiên cần phải nỗ lực hơn nữa, thường xuyên hơn nữa và quyết tâm hơn nữa; phải có thêm những biện pháp, những cách làm mới cụ thể và hiệu quả hơn… thì mới có thể đạt được những kết quả tốt hơn, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân.
Chúng ta đều hi vọng khi trở thành ĐBQH ông sẽ hành động đầu tiên về những khó khăn cũng như "phần chìm” của ngành y, nhưng còn với các vấn đề khác của xã hội, ông có quan tâm?
GS. Nguyễn Anh Trí: Có chứ, là một công dân Việt Nam tôi thực sự trăn trở những câu chuyện bạo lực học đường, học trò không còn tôn trọng thầy cô, vấn đề đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ…Tuy nhiên, là một giáo sư đại học về lĩnh vực y tế tôi hết sức quan tâm đến việc cấp phép đào tạo bác sỹ tại các trường Đại học không y khoa.
Ngoài ra còn nhiều các vấn đề khác nữa, như: vấn đề Biển Đông, Vấn đề quy hoạch, xây dựng; Vấn đề Tai nạn giao thông; Vấn đề kinh tế tư nhân; Vấn đề xả thải của các khu công nghiệp, vấn đề tham nhũng, lang phí
Ông định hứa gì với những cử tri của mình?
GS. Nguyễn Anh Trí: Nếu trở thành đại biểu Quốc hội, tôi xin hứa sẽ phát huy những kiến thức đã học được qua việc học tập tại Đại học Y Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội, qua việc học tập tại Nhật Bản; và đặc biệt là qua những hoạt động thực tiễn trong công tác quản lý, đào tạo, hành nghề y tế…
Hơn thế nữa, tôi sẽ không ngừng học hỏi từ nhân dân, từ cử tri, từ diễn đàn quốc hội để có thể làm tốt chức trách của một Đại biểu quốc hội.