Giàn bí có quả to bằng cái nồi trên sân thượng
Bà Bùi Thị Nga (Hà Nội) trồng cả rau và cây cảnh trên hai sân thượng của tầng 4. Ở phần trồng cây cảnh, tùy thuộc tính của từng cây, bà Nga chia thành ba tầng: Tầng trên cùng là dàn trồng chanh leo, ngay phía dưới là các giỏ lan sò, lan nhện, còn dưới mặt đất đặt các loại ưa bóng mát như lan ý, ngũ gia bì...
Đầu tháng 8, bà chuyển từ trồng chanh leo sang thử nghiệm bí ngồi cho leo giàn. Một người quen ở Sơn La cho gia đình một quả bí xanh. Thấy trái bí ăn ngon, ngọt, bà Nga giữ lại ít hạt để trồng. Cách thức trồng tương tự các loại bầu bí, mướp khác. Sau khi ủ hạt vào nước ấm cho nhú mầm, bà Nga đem trồng vào chậu nhựa thông minh.
Cây leo giàn cần bộ rễ lớn để phát triển nên việc lựa chọn trồng trong chậu thông minh phù hợp vì rễ sẽ xuyên qua các lỗ hở xuống phía dưới của khay. Mỗi tuần, chủ vườn rắc một chút phân vi sinh vừa đủ để nuôi cây. Khi cây đậu quả, bạn cần chăm tưới nước và bón phân để quả nhanh lớn hơn.
Trái bí ngồi thường được cho mọc bò mặt đất, người dân tộc cho bí leo giàn, mỗi quả nặng tới 3-4 kg, quả đẹp và hình dáng phát triển đều. Hiện nay, trong vườn nhà bà Nga chỉ giữ lại một cây nhưng quả đều, nặng khoảng 2 kg mỗi quả.
Trước khi trồng loại cây nào, bà Nga cũng đều tìm hiểu rất kỹ. Bà cũng thường xuyên xem các chương trình liên quan tới nông nghiệp, vào các nhóm trồng rau để học hỏi. Bởi vậy, trong vườn, cây cối cũng xanh tươi, ít sâu bệnh.
Biết cách nhân rộng, sử dụng phân bón hợp lý, nhà bà Nga vừa có nhiều loại cây phong phú mà không hề tốn kém.
Trong nhà có nuôi nhiều mèo nên không bao giờ sợ chuột phá, ăn cây. Còn với sâu bệnh, bà Nga sử dụng mẹo dân gian là ngâm ớt, tỏi, gừng (mỗi loại 200g) với 1 lít rượu khoảng 15 ngày. Sau đó, bà đem nước này pha loãng để phun cho cây có sâu.
Theo VnExpress