Giảm trừ gia cảnh theo lạm phát, người dân vẫn thiệt
Giảm trừ gia cảnh theo lạm phát, người dân vẫn thiệt
Miễn thuế thu nhập cho hơn 2/3 số người đang nộp thuế
Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật Basico, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định về những phương án điều chỉnh mới của thuế thu nhập cá nhân vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ.
Luật sư Trương Thanh Đức |
Mức giảm trừ "thả" theo lạm phát, chỉ cần 10% là đủ
Theo phương án điều chỉnh mới, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ được nâng lên 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh tương ứng là 3,6 triệu đồng/tháng. Con số này nói lên điều gì, thưa ông?
Mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng, chưa kể khấu trừ, là quá cao, nó sẽ trở thành đánh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, chứ không còn đúng với mục tiêu, bản chất của loại thuế này. Thêm nữa, con số 9 triệu đồng vẫn là mức "cứng", bất cứ con số cứng nào đưa vào luật thì vẫn phụ thuộc vào diễn biến thay đổi của giá cả, nền kinh tế.
Nếu giữ nguyên mức khởi điểm 4 triệu đồng, thì thu nhập đến 9 triệu đồng chỉ phải nộp thuế 250.000 đồng, là hoàn toàn cần thiết và hợp lý. Theo tôi nên giữ mức khởi điểm nộp thuế như hiện tại trong nhiều năm nữa, tuy nhiên với điều kiện phải giảm bớt thuế suất và giãn mạnh bước thuế.
Bức xúc với thu nhập 4-5 triệu không đủ sống đã phải nộp thuế chỉ là phản ứng tâm lý, chứ không phải là tiền bạc. Với thu nhập 5 triệu đồng, thì hoàn toàn là hợp lý khi chỉ phải nộp thuế có 50.000 đồng khi so với đa số người lao động chỉ có thu nhập dưới 4 triệu đồng. Điều bức xúc là phải thu thuế công bằng, không để lọt lưới quá nhiều đối tượng có thu nhập rất cao, và đặc biệt là bước thuế quá dày, bậc thuế quá nhiều.
Điểm mới trong dự thảo Luật thuế sửa đổi lần này là mức giảm trừ gia cảnh sẽ được điều chỉnh nếu lạm phát tăng trên 20%. Theo ông, điều này có phù hợp?
Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm đánh thuế. Nếu xác định đánh thuế đối với một số ít người có thu nhập ở mức cao gấp 2-3 lần so với mặt bằng chung, thì đúng là cần phải điều chỉnh để bảo đảm tương ứng với tốc độ tăng thu nhập và tỷ lệ lạm phát. Và như vậy, thì cần điều chỉnh khi lạm phát trên 10%, chứ không thể để đến tận 20%.
Còn nếu xác định bản chất là đánh thuế thu nhập với số đông, với mức thu vừa phải, thì cần phải đánh thuế khi có thu nhập ở mức bình quân chung của xã hội, tức là vài năm nữa chưa cần điều chỉnh và sau này cũng điều chỉnh theo mức thu nhập bình quân thay vì theo lạm phát. Tất nhiên, thuế suất đối với thu nhập quanh mức trung bình luôn không quá 5%.
Thay vì 7 bậc thuế, chỉ nên duy trì 3-4 bậc thuế, mức cao nhất không quá 20% để tránh thiệt cho người đóng thuế |
Bậc thuế quá gần, người dân chịu thiệt
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điểm hạn chế của dự thảo là vẫn giữ nguyên 7 bậc thuế và giãn cách mỗi bậc thuế vẫn khá dày. Ông có đồng tình với nhận định trên?
Như đã nói ở trên, vấn đề bất hợp lý nhất là duy trì 7 bậc thuế suất, dẫn đến bước thuế quá dày và mức thu quá cao.
Tôi cho rằng, chỉ nên để 3-4 bậc thuế, với mức cao nhất không quá 20% tương tự như thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến trong một vài năm tới và mức khởi điểm 5% phải tính cho thu nhập chịu thuế ít nhất là 10 triệu đồng. Giảm bậc thuế và giảm thuế suất làm đơn giản hoá việc đánh thuế và công bằng hơn. Chúng ta đã có một loạt tiền lệ tốt khi bỏ bớt mức thuế suất 20%, chỉ còn 3 mức 0%, 5% và 10% đối với thuế GTGT năm 1998.
Đến nay còn dự kiến chỉ còn lại một mức thuế suất. Rồi đã giảm nhiều bậc thuế, với mức thuế suất cao 40-45% trước kia (thuế lợi tức đối với kinh doanh thương nghiệp; ăn uống và dịch vụ các loại những năm 1990 là 45%) còn 25% và dự kiến sẽ giảm xuống còn 20%.
Theo tôi, hợp tình, hợp lý nhất là mức khởi điểm 5% phải tính cho khoảng cách thu nhập chịu thuế ít nhất là 10 triệu đồng thay vì 5 triệu đồng như hiện nay.
Nếu cứ duy trì mức thuế cao và bậc thuế dày sẽ bất lợi, gây khó cho cả người nộp thuế lẫn cơ quan thu thuế.
Trường Giang
thực hiện