Giảm phí sửa chữa, bảo dưỡng tuyến cáp biển từ 500.000 USD xuống còn 50.000 USD/lần
|
Cùng với việc giảm phí đối với hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng tuyến cáp viễn thông trên biển xuống còn 50.000 USD/lần, Thông tư mới của Bộ Tài chính cũng bỏ quy định về lệ phí cấp phép hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng các công trình cáp viễn thông trên biển (với loại giấy phép cấp lần đầu, cấp mới) ra khỏi Biểu mức thu lệ phí cấp phép hoạt động viễn thông ban hành kèm theo Thông tư 273. |
Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung Thông tư 273/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định mức thu, miễn, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quyền hoạt động viễn thông và lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông (Thông tư 273).
Một điểm đáng chú ý của Thông tư mới là Bộ Tài chính đã quyết định sửa đổi, bổ sung Biểu mức thu phí, lệ phí cấp phép hoạt động viễn thông ban hành kèm theo Thông tư 273. Theo đó, tại biểu mức phí, lệ phí mới, mức thu phí sửa chữa, bảo dưỡng tuyến cáp viễn thông trên biển (nộp cho mỗi lần tàu, thuyền vào sửa chữa, bảo dưỡng tuyến cáp) là 50.000 USD. Còn theo quy định tại Thông tư 273, mức phí áp dụng đối với hoạt động này là 500.000 USD.
Cùng với đó, Thông tư mới của Bộ Tài chính cũng bỏ quy định về lệ phí cấp phép hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng các công trình cáp viễn thông trên biển (đối với loại giấy phép cấp lần đầu, cấp mới) ra khỏi Biểu mức thu lệ phí cấp phép hoạt động viễn thông ban hành kèm theo Thông tư 273.
Thông tư 03 của Bộ Tài chính sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3 tới. Tuy nhiên, tại Thông tư này, Bộ Tài chính cũng hướng dẫn rõ, phí đối với hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng tuyến cáp viễn thông trên biển quy định tại điểm 4(b) khoản 2 mục II Biểu mức thu phí, lệ phí cấp giấy phép hoạt động viễn thông được áp dụng kể từ ngày 1/1/2017.
Liên quan đến mức thu phí đối với hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng cáp viễn thông trên biển, tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước tháng 5/2017 của Bộ TT&TT diễn ra hồi đầu tháng 6 năm ngoái, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT đã cho biết: theo quy định tại Thông tư 273 của Bộ Tài chính, kể từ tháng 1/2017, phí xin giấy phép sửa chữa các tuyến cáp biển mỗi lần xảy ra sự cố là 500.000 USD. Với hệ thống tuyến cáp quang biển AAG hay mất liên lạc, gặp sự cố với tần suất mỗi năm khoảng 3 - 4 lần thì tổng số tiền doanh nghiệp phải nộp để được cấp phép sửa chữa cáp cũng lên tới hàng triệu USD. Trong khi đó, giai đoạn trước ngày 1/1/2017, mức phí doanh nghiệp phải nộp cho mỗi lần sửa chữa, bảo dưỡng cáp biển chỉ là 50 triệu đồng.
“Thông tư 273 mới được ban hành nhưng theo nhận định của chúng tôi thì không phù hợp lắm. Với số lượng tuyến cáp biển nhiều, số tiền xin giấy phép sửa chữa cáp mỗi lần có sự cố lên tới vài triệu USD/năm. Trong khi đó, chỉ riêng tiền duy tu, tiền thuê các đội tàu thường trực hàng năm, doanh nghiệp đã phải trả một khoản tiền cứng là vài triệu USD. Và đương nhiên mỗi lần họ vào sửa thì phải trả thêm tiền”, ông Hùng nêu.
Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng đã kiến nghị Bộ TT&TT có ý kiến với Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi lại mức phí này. Được biết, ngay tại thời điểm đó, trên cơ sở ý kiến tham mưu của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã có văn bản đề xuất với Bộ Tài chính về việc giảm mức phí cấp giấy phép cho một lần sửa chữa, bảo dưỡng tuyến cáp viễn thông trên biển còn bằng 1/10 so với mức cũ, tức là 50.000 USD cho mỗi lần sửa chữa, bảo dưỡng.
Trên thực tế, những năm gần đây, các tuyến cáp quang biển quốc tế mà các nhà mạng Việt Nam sử dụng như AAG, IA, SMW-3 và APG đã gặp sự cố với tần suất khá dày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp dịch vụ Internet quốc tế cho khách hàng. Cụ thể, thống kê sơ bộ cho thấy, chỉ tính riêng năm 2017, 4 tuyến cáp biển nêu trên đã có tới 12 lần gặp sự cố.
Trong đó, tuyến cáp AAG có 5 lần gặp sự cố, lần lượt vào các ngày 8/1, 18/2, 27/8, 12/10 và 17/11. Tuyến cáp biển IA (còn gọi là cáp Liên Á) cũng có tới 4 lần gặp sự cố trong năm 2017, xảy ra vào các ngày 10/1, 11/1, 4/3 và 27/8. Tuyến cáp biển mới được đưa vào khai thác từ cuối năm 2016 - APG cũng có tới 2 lần gặp sự cố trong năm ngoái, lần lượt vào các ngày 20/6 và 23/12. Với tuyến cáp SMW-3, trong năm 2017, mặc dù chỉ gặp sự cố 1 lần vào ngày 10/10 tuy nhiên thời gian gián đoạn liên lạc trên tuyến cáp biển này bị kéo dài tới tận giữa tháng 12.
Với năm 2018, 2 tuyến cáp biển giữ vai trò quan trọng trong kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế là APG và AAG đã cùng bị gián đoạn liên lạc vào những ngày cuối tuần đầu tiên trong năm mới. Sự cố trên 2 tuyến cáp biển này đã được các đối tác quốc tế khắc phục xong lần lượt vào các ngày 6/1 và 25/1/2018.