Giám đốc BV Da liễu Trung ương: Tôi cũng bị nổi mề đay vì dị ứng
Ảnh minh họa. |
Bác sĩ cũng hoảng hốt vì dị ứng
Chia sẻ tại buổi hội thảo, PGS Trần Hậu Khang cho biết bản thân ông cũng từng bị dị ứng cấp tính. Nhớ lại triệu chứng của bệnh, PGS Khang cho biết “tôi bị khó thở và nổi mề đay khắp người. Bao nhiêu năm nghiên cứu mề đay nhưng lần đầu bị mề đay cấp tính khiến tôi cũng thấy hoang mang”.
Sau khi bình tĩnh nhớ lại các tác nhân có thể gây dị ứng, PGS Khang nhớ ngày hôm đó sau khi tiếp đoàn khách từ WHO, ông đã ăn một chút socola từ các đồng nghiệp ở nước ngoài mang sang và trong socola có hạt đậu. PGS Khang cho rằng đây chính là tác nhân gây nên dị ứng cho mình.
Việc điều trị dị ứng phụ thuộc vào nguyên nhân gây dị ứng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không thể tìm được nguyên nhân. Là bác sĩ, ông bảo “một hôm tôi hội chẩn bệnh, có bệnh nhân người tận Lào Cai đến xin gặp tôi. Người bệnh nhân cho biết ông ta bị dị ứng dưới dạng viêm da và đã đi chữa rất nhiều nơi thuốc nam, thuốc bắc đủ cả nhưng không khỏi.
Người bệnh còn yêu cầu bác sĩ kê những loại thuốc của thế giới mới nhất trong điều trị viêm da dị ứng. Khi nghe đến tên thuốc, bác sĩ còn giật mình vì thuốc này chưa có ở Việt Nam. Các bác sĩ phải kê thuốc có thành phần phù hợp với bệnh cảnh để bệnh nhân có thể sử dụng.
Nổi mề đay ngoài da nhưng nguy hiểm
Đối với dị ứng da, một trong số các loại dị ứng da phổ biến nhất là nổi mề đay. Mề đay là phản ứng của mạch máu trên da với các cơ chế phức tạp có liên quan đến chất histamine, đặc trưng bởi những dát có quầng đỏ chung quanh, thường xảy ra ở bệnh nhân có thể tạng dị ứng. Mề đay xảy ra là do sưng lớp bì nông với triệu chứng chính là ngứa da, nổi mẩn trên da. Theo các nghiên cứu có đến 20% dân số bị mề đay ở thời điểm nào đó trong đời.
Mề đay cấp tính thường nổi trên da sau vài tiếng hoặc 1, 2 ngày nhưng mề đay mãn tính có thể nổi trên da hơn 6 tuần. Các trường hợp nổi mề đay mãn tính không xác định được nguyên nhân được gọi là mề đay mãn tính vô căn. Theo thống kê có đến 50% bệnh nhân bị mề đay mãn tính là vô căn.
Mề đay rất nguy hiểm đến tính mạng nếu người nổi mề đay cấp tính ở trong tình trạng nặng, rất dễ bị phù thanh quản, khó thở, choáng váng, ngất xỉu do áp huyết xuống thấp.