Giám đốc Bệnh viện: Quản trị giỏi vẫn chưa đủ, phải uy tín về chuyên môn!
Giáo sư Trí cho rằng nếu giám đốc bệnh viện chỉ giỏi quản trị thôi vẫn chưa đủ |
"Sắp tới, nên hướng tới mô hình hội đồng bệnh viện thuê giám đốc vào làm việc trong bệnh viện như là một CEO. Không thể chấp nhận một giám đốc bệnh viện mổ giỏi nhưng lại quản lý tài chính kém, bệnh viện không xanh sạch đẹp" - Bộ trưởng Tiến cho hay.
Trao đổi với báo điện tử Infonet.vn, Giáo sư Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết: Trong tất cả mọi việc công tác bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt đó là thủ lĩnh thì đều vô cùng quan trọng bởi người thủ lĩnh đơn vị chính là người quyết định sự phát triển của đơn vị, ít nhất là trong thời kỳ họ làm người đứng đầu. Chính vì thế có sự quan tâm chú ý đặc biệt là rất đúng.
Về nguyên tắc là bổ nhiệm người quản lý bệnh viện cần ưu tiên cho có năng lực quản trị bệnh viện, quản trị các dịch vụ. Và điều này ông cũng đồng ý với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Tuy nhiên, trong ngành y, làm giám đốc một bệnh viện là phải vừa quản lý hành chính, trị sự bệnh viện nhưng vừa quản lý cả chuyên môn nữa. Đó là đặc thù riêng có của ngành y. Vì vậy, theo GS Trí, để bổ nhiệm 1 giám đốc bệnh viện thì vấn đề số một là năng lực quản lý và mặt khác người đó cũng cần phải giỏi về chuyên môn.
"Thực tế cho thấy, hiện nay, một giám đốc phải quản lý được tài chính, kinh tế, nhân lực, thậm chí còn phải biết cả đất đai, xây dựng, ngân hàng, công nghệ thông tin, rồi phải nắm chắc về luật...
Tuy nhiên đã là giám đốc bệnh viện thì cần phải nắm chắc, phải giỏi cả chuyên môn về y học nữa. Nếu là giám đốc một bệnh viện chuyên khoa như ngoại, sản, nhi, tai – mũi – họng, mắt, da liễu, huyết học…thì nên phải là người giỏi hàng đầu, là người thầy về lĩnh vực đó. Bởi vì chức năng và nhiệm vụ yêu cầu đòi hỏi như vậy.
Ví dụ, để chủ trì một buổi giao ban tại một bệnh viện chuyên khoa, đó không chỉ là một buổi điểm danh, rà soát mọi công việc trong cơ quan, mà hơn thế nữa, đó cũng là một buổi tư vấn, hướng dẫn mang tính quyết định, rồi cả huấn luyện, đào tạo… Người không giỏi nhất về chuyên môn không làm được!
Chưa kể đặc thù của ngành y đó là có lớp trước có lớp sau, có anh, có em, có thầy có trò. Đặc thù này có thể phần nào gây ra sự bảo thủ, nhưng về cơ bản là có nhân hợp lý và đang thực sự rất cần thiết trong ngành y nói chung. Uy tín ở bệnh viện được tạo ra trước hết và phần lớn là uy tín về chuyên môn. Chưa thể bỏ được! Trên thực tế hầu hết các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành đang được bổ nhiệm thủ trưởng theo triết lý này, muốn làm khác cũng rất khó, vì khi lấy phiếu tín nhiệm thường sẽ khó đạt.
Tin bài theo dòng sự kiện
Bệnh viện Việt Đức có người điều hành mới
Vì sao Giáo sư Nguyễn Viết Tiến kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Việt Đức?
Quyết định của GS Trịnh Hồng Sơn và sự đồng cảm của bệnh nhân
PGĐ BV Việt Đức Trịnh Hồng Sơn viết tâm thư vì bỗng dưng bị điều chuyển
Ở nước ngoài, để giải quyết mâu thuẫn này thông thường phải có 2 Giám đốc trở lên: Giám đốc điều hành (có thể là một CEO), giám đốc chuyên môn (phải là người giỏi, có uy tín về chuyên môn), rồi có thể có giám đốc nhân sự, giám đốc maketing, vv…
Thêm nữa, vai trò của Hội đồng chuyên môn, hội đồng Khoa học-kỹ thuật trong bệnh viện ở các nước đó thường có vai trò rất quan trọng, thậm chí là vai trò quyết định trong một số việc. Ở ta chưa làm được như vậy. Cần xem xét thật thấu đáo, và cũng cần phải chuẩn bị đầy đủ (như nhân sự, luật lệ, chế độ) mới có thể làm như họ được" - GS Trí phân tích.
"Nhân đây tôi cũng nói thêm rằng trong ngành y mà bổ nhiệm người chuyên khoa này làm giám đốc bệnh viện chuyên khoa khác là rất không nên. Ví dụ, một người sản khoa là giám đốc bệnh viện ngoại khoa, người có kiến thức về mô-phôi mà làm giám đốc về huyết học là rất không nên.
Đổ vỡ thì có thể không (hoặc nói đúng hơn chưa ai rà soát, và cũng chưa có bộ tiêu chuẩn để đánh giá), nhưng thành công rực rỡ thì chắc chắn rất khó. Rồi câu chuyện một thứ trưởng làm kiêm giám đốc cũng không nên. Vì thứ trưởng có công việc (mà thường phải là rất bận), cách thức điều hành kiểu của thứ trưởng, khác hẳn giám đốc bệnh viện. Nếu có làm thì một vài tháng, chứ nửa năm trở lên thì đừng!
Tôi rất mừng khi được biết Bộ y tế đang tích cực tìm người thay thế, để tạo điều kiện cho đơn vị đó phát triển bền vững và cũng là bảo vệ uy tín cho đồng chí thứ trưởng được phân công kiêm nhiệm đó.
Ý kiến cuối cùng, đó là trong công tác tổ chức cán bộ, nhất là bổ nhiệm giám đốc bệnh viện cần có phải kế hoạch mang tính dài hơi, chuẩn bị chu đáo, nên giao nhiệm vụ cho người thủ trưởng đương nhiệm tìm người thay thế và cần quan tâm ý kiến tiến cử của họ; rồi cần phải làm dứt điểm, tránh kéo dài.
Đây là bài học kinh nghiệm lớn và sâu sắc mà trong nhiều thập kỷ qua ngành y tế đã gặp. Nếu chuẩn bị tốt, công tâm, quyết liệt và dứt điểm thì bao giờ cũng có một kết cục tốt. Đây luôn là việc khó, tuy nhiên không có nghĩa là không làm được!" - GS Trí nhấn mạnh.