Giai thoại cây đa 100 tuổi có cặp mãng xà ẩn mình
Nhiều câu chuyện hư hư thực thực đã được thêu dệt liên quan tới cây đa cùng với sự ẩn hiện của cặp mãng xà càng thêm huyền bí. Chẳng ai dám chắc về những câu chuyện kia thật giả thế nào, chỉ biết người dân nơi đây rất yêu quý, trân trọng cây đa và miếu thờ. Mỗi năm hai lần, vào rằm tháng Giêng và tất niên, hầu hết già trẻ, gái trai trong ấp lại hội tụ về đây trong không khí vui tươi thắt chặt tình làng nghĩa xóm...
“THÀNH HOÀNG” CỦA LÀNG
Nằm bên ngã ba đường vào ấp Thạnh Đông là một cây đa to lớn khác thường. Cây mọc trên một khoảnh đất rộng, dáng dấp vững chãi, thân to khoảng chục người ôm và rất nhiều nhánh nhỏ bằng cột nhà thõng xuống. Những bộ rễ lớn đâm thẳng từ cây xuống mặt đất cũng tạo thành những cột thẳng tắp bao quanh thân. Tán rộng, tròn như một cái nấm khổng lồ sừng sững một góc làng. Những người lạ từ xa đến đều bị thu hút bởi cây đa dáng dấp vững chãi đến kỳ lạ.
Là một trong những người đặt chân lên mảnh đất Thạnh Đông từ rất sớm, ông Lâm Văn Tỷ, 79 tuổi kể lại: “Thời kỳ chiến tranh tôi có đi qua vùng này. Sau giải phóng, tôi về đây sống và đã thấy cây có thế sừng sững rồi. Tôi không biết người trồng mà chỉ biết ông Sáu Xum là người lập bàn thờ. Sau đó, ông Sáu Đàn làm nhà gỗ, mở rộng thành miếu thờ. Tôi thấy cây đa giúp mọi người sống quây quầy, gắn bó cùng nhau hơn. Những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là một trong những mặt trận khốc liệt, hứng chịu nhiều bom đạn của kẻ thù, cây đa như tấm lá chắn xòe tán che chở những người sống ở dưới nó”.
Sau giải phóng, những người tứ xứ tới đây lập nghiệp và miếu trở thành nơi thờ cúng để cầu sự an lành. Từ đó, cây đa được mọi người gọi bằng cái tên kính trọng “Thần đa”. Nhiều khách thập phương khi đi qua “Thần đa” cũng dừng lại thắp nhang. Trong năm dân làng thường tổ chức 2 lễ lớn tại vị trí của “Thần đa”. Đó là vào hai ngày 26, 27 tháng 12 âm lịch (tất niên) và lễ khai xuân vào ngày rằm tháng Giêng. “Vào những ngày diễn ra lễ hội, người dân tập trung đông vui, tổ chức dâng hương cúng nhiều sản vật. Dân ở đây đều là những người tha phương, không biết nhiều về mảnh đất này. “Thần đa” sống lâu đời nên người dân coi như vị Thành hoàng của ấp. Vì vậy, nghi lễ thờ “Thần đa” cũng giống như thờ người sáng lập làng ở các vùng miền khác” - Trưởng ấp Nguyễn Quốc Mạnh chia sẻ.
XUẤT HIỆN CẶP MÃNG XÀ ẨN MÌNH CANH MIẾU?
Xoay quanh “Thần đa” còn gắn với nhiều câu chuyện huyền bí được truyền miệng trong dân chúng. Nhiều lời đồn thổi là có cặp rắn có mào trên đầu, dài hàng chục mét, nặng đến cả tạ sống trong gốc cây. Lâu lâu cặp rắn này buông thõng mình trên cành đa nhìn từ xa như một cành cây khô. Nhiệm vụ của đôi rắn là canh miếu và trừng phạt những kẻ dám “phạm” miếu thiêng. Đối với văn hóa Việt, rắn giữ một vị trí quyền uy và linh thiêng.
Ông Điểu Ưu, 73 tuổi, lớn lên dưới gốc đa cho biết: “Tôi sống ở gốc đa cho đến khi 20 tuổi thì đi kháng chiến. Gần 20 năm sống ở đó, tôi có nhìn thấy cặp rắn thần vài lần. Đôi rắn này thường ẩn trong hốc cây, hoặc vắt vẻo trên cành cây, rất ít khi bò ra đường. Cũng có thể do lời đồn sẽ bị báo oán nếu phạm phải miếu thiêng nên không ai dám phạm lỗi với cây đa và ngôi miếu”. Nhưng theo cách mô tả về cặp rắn của ông Điểu Ưu thì chúng tôi thấy như kiểu kể “con rắn vuông” vậy... rất khó thuyết phục.
Hỏi về lời đồn cặp rắn thần canh miếu thì anh Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng ấp Thạnh Đông cười: “Từ hồi tôi tới đây đến nay chưa từng đụng cặp rắn này. Tuy nhiên theo miêu tả thì tôi nghĩ đó có thể là rắn hổ mang chúa hoặc trăn. Loài rắn to lớn thường sống ở hốc cây. Chúng ở xứ này cách đây 20-30 năm không phải là hiếm”. Còn ông Tỷ thì bảo: “Tôi nghĩ, chuyện rắn thần chỉ là chuyện đồn thổi và khuyên các cháu đừng có thêu dệt làm huyền bí hóa cây đa, chỉ cần mọi người nhận thấy ở đời có nhân quả, cứ làm điều tốt để tích đức là được rồi”.
TIN LUẬT NHÂN - QUẢ ĐỂ SỐNG TỐT HƠN
Chính chúng tôi cũng không biết cây đa thiêng đến mức nào và chẳng biết có rắn thần sống trong cây đa hay không? Nhưng đến tận bây giờ, nhiều người vẫn kể cho nhau nghe nhiều chuyện lạ liên quan đến cây đa. Chị Phạm Thị Nháp ở Thạnh Đông nhớ lại: “Năm ngoái, có người chặt nhánh đa về làm cảnh, chẳng hiểu sao lại đem ra ghép vào như cũ. Một bà vào miếu chẳng biết phạm điều gì với “Thần đa” mà tự ăn thịt sống, gia đình vào cúng mới khỏi. Rồi có kẻ vào “bậy” gần đó khiến bà chuyên quét dọn miếu đau toàn thân, sau đó ra miếu kiểm tra, làm sạch thì thấy khỏi...”. Và có người lại kể, không hiểu sao, dốc từ ngã ba vào làng Thạnh Đông xuống sâu là thế, hai bên đường lại hun hút nhưng ôtô, xe máy lỡ ngã ở đây đều chẳng ảnh hưởng tới người, thậm chí xe tải lật giơ 4 bánh lên trời nhưng người vẫn lò mò chui ra, bình an vô sự.
Anh Mạnh cho biết thêm: “Tôi từ miền Bắc di cư vào đây đã gần 30 năm. Theo chân một số người đi trước, giờ làm trưởng thôn nên tôi cũng đầu tàu và vận động nhân dân cùng tu bổ miếu để lấy nơi thờ cúng và quy tụ dân làng vào những dịp lễ, tết. Từ khi xây miếu thờ chúng tôi gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Bản thân tôi tin là ngôi miếu thiêng để mình làm việc, nói năng phải biết giữ gìn. Hằng năm, vào hai ngày cúng chính hoặc có việc gì lớn, chúng tôi đều về miếu bên gốc đa để thắp nhang. Người nào thành kính hơn thì thắp nhang mỗi tháng, tùy tâm”.
Chuyện hư thực về cây đa chắc vẫn còn tiếp diễn trong những lời đồn thổi dân gian. Tin vào sự linh thiêng của cây đa thần để ngày càng nhiều người làm việc tốt thì thật đáng trân trọng. Nhờ đó, mọi người biết giữ mình để cái tâm được sáng hơn. Tuy nhiên, cũng có kẻ đến đây cầu cúng chỉ để mong qua Campuchia “hốt bạc”, đổi đời từ sát phạt đỏ đen, thì chắc rằng “Thần đa” hay bất cứ vị thần linh nào cũng không thể phù hộ?
Nguồn: Báo Bình Phước