Giải quyết giao thông công cộng Hà Nội: Đi tìm con gà và quả trứng!
Đây là khẳng định của một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông công cộng của Thụy Điển tại hội nghị bàn tròn “Thúc đẩy vận hành và quản lý giao thông công cộng hiệu quả: Chia sẻ kinh nghiệm thành công của Thụy Điển tại các nước đang phát triển” được Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức vào chiều qua (7/5).
Theo nhận định của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg, khi mức độ đô thị hóa ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, các thành phố ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ riêng trong lĩnh vực giao thông, vận tải. Ông Pereric Högberg hy vọng chuyến thăm của Đoàn thương mại Thụy Điển cùng với những kinh nghiệm, sự sáng tạo, chuyên môn hóa, có thể tìm ra những giải pháp tối ưu giúp các thành phố của Việt Nam phát triển bền vững.
Hội nghị bàn tròn “Thúc đẩy vận hành và quản lý giao thông công cộng hiệu quả chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Điện tại các nước đang phát triển. |
“Thụy Điển từ lâu đã tiên phong trong các giải pháp quy hoạch đô thị. Từ năm 1990, lượng phát thải đã giảm 9%, sự phụ thuộc vào xăng dầu cũng giảm 90% từ năm 1970. Số người tử vong do TNGT thuộc hàng thấp nhất thế giới. Với kết quả đó cộng với kinh nghiệm đến từ các chuyên gia, doanh nghiệp cung cấp giải pháp thông minh về quản lý giao thông, chúng tôi hi vọng sẽ giúp Việt Nam hoạch định được phương hướng, xây dựng những đô thị bền vững với mạng lưới giao thông thông minh”, ông Pereric Hogberg cho biết thêm.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, song song với tốc độ đô thị hóa thì Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến giao thông. |
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, hiện Việt Nam có trên 1.000km đường cao tốc, hệ thống cảng hàng không, cảng biển và vận tải công cộng... đã được nâng cấp, cải thiện theo hướng an toàn, thuận lợi. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan tới giao thông đô thị như thiếu quỹ đất dành cho giao thông công cộng; sự gia tăng nhanh các phương tiện cá nhân với tỉ lệ từ 10-12%/năm; thiếu quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ phương tiện; Ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp tại các thành phố lớn.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ mong muốn, các chuyên gia Thụy Điển sẽ chia sẻ những kinh nghiệm để tìm ra giải pháp xây dựng hệ thống giao thông đô thị thông minh, bền vững. Theo lời của Thứ trưởng, Cả nước đã có 60/63 tỉnh, thành phố có xe buýt hoạt động. Đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hệ thống vận tải hành khách công cộng đã phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Còn ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, năm 2017, toàn thành phố có 5,48 triệu xe máy, tốc độ gia tăng hàng năm là 6,7% và 669.000 ô tô với tốc độ gia tăng hàng năm là 10,2%. Trong khi đó, tốc độ phát triển của hạ tầng giao thông chỉ đạt 3,9%, dẫn đến ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp. Năm 2017, trong số 41 điểm ùn tắc, thành phố giải quyết còn 24 điểm; nhưng lại phát sinh thêm 13 điểm mới.
Bên cạnh đó, nếu như thời điểm mở rộng địa giới, Hà Nội năm 2008 có dân số chỉ là 6,5 triệu người, đến nay con số đó đã chạm ngưỡng 7,5 triệu người. Việc gia tăng dân số khiến quỹ đất dành cho giao thông ngày càng hạn hẹp, đặt ra thách thức lớn trong quy hoạch hạ tầng giao thông của Thủ đô”, ông Toản nói và cho biết: “Hiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Hà Nội là 112 tuyến, mức độ bao phủ đạt 68,5%”.
Theo ông Jan Vandooren, giám đốc đại diện công ty Volvo Buses, nhà cung cấp dịch vụ giao thông công cộng hiện đại từ Thụy Điển chia sẻ, một trong số những giải pháp đối với giao thông đô thị hiện đại, đặc biệt là với các nước đang phát triển như hiện nay là BRT. Ông Jan cho rằng đây là hệ thống giúp sử dụng phương tiện giao thông theo cách năng động nhất đã hoạt động, có hiệu quả chứng minh rõ ràng khi hiện diện ở hơn 200 thành phố, thành công nhất là ở thành phố vô cùng đông đúc như Mexico.
Theo ý kiến của chuyên gia Thụy Điển, để có được thành công của BRT ở Mexico, cần có quyết tâm, mở đường và ưu tiên cho phương tiện giao thông công cộng này. Do đó, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia phát triển khác, để áp dụng BRT, các nhà lãnh đạo cần phải đi đầu, tin vào hiệu quả của BRT. Dù không phải lúc nào BRT cũng là phương án tốt nhất, nhưng những nhà lãnh đạo cần phải đứng sau, đưa ra sự lựa chọn trên cơ sở tính đến nhiều vấn đề như quỹ đất…
Thêm vào đó, không cần đưa thêm nhiều xe buýt khi triển khai BRT mà cần một tổ chức độc lập, nơi có các chuyên gia hiểu được toàn hệ thống, có cách thức marketing để thay đổi quan điểm, cách suy nghĩ của mọi người về BRT và làm cho nhiều người biết đến hơn. "Việc giải quyết bài toán của BRT tại Hà Nội giống như tìm ra đáp cho cho bài toán con gà và quả trứng, chúng ta cần có nhiều người sử dụng BRT và giao thông công cộng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải nâng cấp hạ tầng, tối ưu hóa hiệu quả của BRT" - ông Jan Vandooren cho biết thêm.