“Giải cứu giáo viên”: Thêm một nghiên cứu sinh ủng hộ TS Lê Trường Tùng
Giải pháp giải cứu mà TS. Lê Trường Tùng đưa ra là mỗi học sinh tiểu học đóng góp 100 nghìn đồng/tháng vào Quỹ, tạm gọi là Quỹ Giải cứu Giáo viên tiểu học, hoặc Quỹ Khuyến dạy. Số tiền này, sẽ dành toàn bộ để bổ sung cho thu nhập giáo viên.
Giải pháp này của TS. Lê Trường Tùng đang gây nhiều tranh cãi. Nhiều giáo viên cho rằng giải pháp này đã xem thường lòng tự trọng của giáo viên. Trong khi đó nhiều phụ huynh cũng ra sức phản đối vì cho rằng: Tại sao việc tăng lương cho giáo viên là trách nhiệm của Nhà nước mà giờ đây phụ huynh phải gánh chịu?
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phạm Hiệp – Nhà nghiên cứu giáo dục, hiện đang là Nghiên cứu sinh trường ĐH Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan).
Ông Phạm Hiệp – Nhà nghiên cứu giáo dục, hiện đang là Nghiên cứu sinh trường ĐH Văn hóa Trung Hoa - Đài Loan (ảnh: VNN) |
Thưa ông, vừa qua dư luận xã hội đang dậy sóng vì đề xuất “giải cứu giáo viên” nhằm tăng lương cho giáo viên tiểu học. Xin ông cho biết quan điểm của mình về đề xuất này?
Cá nhân tôi rất ủng hộ phương án đó. Đây là phương án khả thi, hiệu quả; nhất là đặt trong bối cảnh không kỳ vọng nhà nước kịp thay đổi cơ chế dự kiến tốn rất nhiều thời gian.
Tuy vậy, có vẻ như dư luận không hưởng ứng biện pháp này lắm. Nhiều giáo viên còn bức xúc ngược.
Tôi thì thấy, việc tăng lương cho giáo viên tiểu học là rất cấp bách nên có thể thực hiện phương án “giải cứu giáo viên”. Cụ thể, tôi đề xuất phương án trên cơ sở điều chỉnh một chút phương án của TS. Lê Trường Tùng như sau:
Thay vì người dân đóng 100 nghìn/tháng để giải cứu giáo viên, nhà nước lập ra 1 Quỹ với tên gọi phù hợp (“giải cứu giáo viên” hay “khuyến dạy” …) và đầu tư một khoản ban đầu.
Sau đó, chúng ta sẽ kêu gọi mọi người, không phân biệt là phụ huynh hay không là phụ huynh, cùng chung tay đóng góp vào Quỹ đó. Tôi hy vọng những người có địa vị xã hội như người nổi tiếng hoặc các đại gia có thể đóng tiền vào 1 quỹ và quỹ đó sẽ trả thêm kinh phí cho giáo viên hay các chi trả cho các nội dung nhằm hỗ trợ giáo viên khác như đào tạo nâng cao năng lực, đào tạo bồi dưỡng…
Đổi lại, nhà nước sẽ miễn thuế cho khoản hiến tặng đó. Thậm chí, các trường có thể sẽ trao Huy chương vì sự nghiệp giáo dục cho người hiến tặng cho người có mức hiến tặng nhiều hơn một mức nào đó.
Với việc nhiều người cùng tham gia đóng góp thay vì chỉ các phụ huynh đóng góp, hy vọng các giáo viên có thể sẽ thấy bớt bị xúc phạm hơn, chấp nhận khoản đóng góp hơn và người dân cũng yên tâm vì không bị đổ dồn gánh nặng chi phí.
Theo ông, đề xuất “giải cứu giáo viên” của TS. Lê Trường Tùng liệu có khả thi?
Tôi đọc rất kỹ đề xuất “giải cứu giáo viên” TS. Lê Trường Tùng, và thấy các tính toán của ông Tùng là khá kỹ. Ai cũng biết, với mức lương hiện tại của giáo viên tiểu học là rất thấp.
Giả sử, bây giờ chúng ta có tăng cho mỗi giáo viên tiểu học 2 triệu/tháng thì một năm sẽ cần một khoản tiền khổng lồ (TS. Tùng ước tính khoảng 1 triệu USD/ngày). Như vậy, nếu dùng ngân sách nhà nước là điều rất khó trong điều kiện ngân sách hạn hẹp như hiện nay.
Hơn nữa, có một thực tế, dù Luật nói rằng phụ huynh không phải chi thêm các khoản cho giáo dục phổ thông nhưng phụ huynh nào cũng phải đóng thêm các khoản các khi cho con đến trường.
Vậy tại sao chúng ta không làm hẳn một chương trình có đủ quy mô, đủ minh bạch, với sự tham gia của toàn xã hội và với sự hỗ trợ của Nhà nước bằng cách miễn thuế cho những người đóng tiền cho quỹ?
Như ông cũng biết, ngay sau khi đề xuất lập quỹ “giải cứu giáo viên”, nhiều giáo viên đã lên tiếng phản đối vì cho rằng lòng tự trọng của mình bị coi nhẹ. Thầy suy nghĩ sao về điều này?
Có thể có nhiều giáo viên có thể phản đối vì hai chữ “giải cứu” gắn liền với các chương trình kêu gọi về giải cứu lợn hay giải cứu dưa hấu nghe hơi phản cảm. Tuy vậy, tôi nghĩ tên gọi không phải vấn đề lớn, chúng ta hoàn toàn có thể chọn tên gọi khác cho Quỹ này để “dễ lọt tai” hơn.
Tôi cũng thấy một số người phản đối vì họ đang hiểu lầm là bắt buộc tất cả phụ huynh có con đang đi học đều phải nộp. Thực tế không phải như vậy, quỹ “giải cứu giáo viên” này ai muốn thì có thể chi tiền vào đó với mức trung bình khoảng 100 nghìn/người/tháng.
Ở nước ngoài, có nước nào làm Quỹ “giải cứu giáo viên” như vậy không, thưa ông?
Ở nước ngoài, bậc phổ thông toàn bộ học phí sẽ được Nhà nước bao cấp hết và ở bậc ĐH nhà nước chỉ bao cấp một phần. Giáo dục ở Việt Nam hiện nay cũng theo mô hình đó khi cấp 1 được miễn toàn bộ học phí còn cấp 2 và cấp 3 thu học phí nhưng rất nhỏ trong tổng số chi phí chi cho giáo dục. Ở bậc các trường ĐH công lập thì học phí Nhà nước bao cấp một nửa, phần còn lại đến từ sinh viên.
Đây được gọi là mô hình giáo dục chia sẻ chi phí (cost sharing) nằm trong bối cảnh giáo dục chuyển từ số ít sang giáo dục đại chúng.
Nếu quỹ này ra đời, ông có sẵn sàng đóng góp xây dựng quỹ?
Tôi sẵn sàng đóng góp 01 suất nếu Quỹ ra đời ngay năm nay. Tất nhiên, tôi cũng sẽ đóng suất của con tôi khi cháu vào học cấp 1.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!