“Giải cứu giáo viên”: Người đề xuất lên tiếng giữa "tâm bão" dư luận
Vừa qua, đề xuất “giải cứu giáo viên” của TS. Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng ĐH FPT đang khiến dư luận dậy sóng vì cho rằng đó là đề xuất phi thực tế, ảnh hưởng đến uy tín và nhân cách giáo viên.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyên cùng TS. Lê Trường Tùng.
TS. Lê Trường Tùng trăn trở: “Đến bao giờ thì giáo viên thật sự sống được bằng lương? Năm 2006, Nhà nước định đến 2010 giải quyết xong. Đến nay thì câu hỏi này vẫn còn đó nhưng lại rất khó trả lời.
Quyết định số 186/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo cho biết: Các hoạt động dạy học các môn học bắt buộc và tự chọn cấp tiểu học được Nhà nước đảm bảo ngân sách, trong đó có lương cho giáo viên. Các cấp học khác - theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập - được tự chủ thu học phí theo cơ chế dịch vụ, để đến năm 2020 tự lo tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Đề xuất của tôi về "giải cứu giáo viên" (mỗi phụ huynh học sinh tiểu học góp thêm 100 ngàn/tháng vào Quỹ Giải cứu, cùng với tài trợ của các nhà hảo tâm góp hộ các gia đình khó khăn để tăng thu nhập cho giáo viên tiểu học công lập) thực chất là giải cứu cho cơ quan quản lý và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.
TS. Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng ĐH FPT |
TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT cũng cho biết thêm: “Về nguyên tắc, Nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo đời sống cho giáo viên trường công. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, lương giáo viên vẫn quá thấp.
Hiện nay với số lượng 390.000 giáo viên tiểu học tại các trường công lập tức là 1 năm cần 390 triệu USD để trả lương, tăng lương cho giáo viên. Trong khi đó nợ công ngày càng tăng cao. Thay bằng ngồi chờ cơ quan quản lý tại sao chúng ta không mỗi người một tay để cải thiện đời sống cho giáo viên.
“Giải cứu giáo viên” nhiều người đừng cho rằng giáo viên là đối tượng cần được giải cứu mà ở đây là giải cứu cho các cơ quan quản lý. Chúng ta cần có một tổ chức dám đứng lên nhận hỗ trợ từ phía các phụ huynh có điều kiện, các nhà tài trợ chứ không để nhà trường hay giáo viên đứng lên vận động.
Chúng ta cần một tổ chức xã hội đứng lên thành lập quỹ và chi trực tiếp để nâng cao đời sống cho giáo viên. Quỹ này sẽ có hệ thống từ các địa phương lên đến phía cao hơn. Đương nhiên quỹ này hoạt động dựa trên sự tự nguyện từ phụ huynh chứ không phải ép buộc.
Có thể thì trước mắt chúng ta chi cho những vùng khó khăn trước còn những địa phương có điều kiện tốt hơn thì có thể để sau tùy thuộc vào điều kiện của quỹ. Miễn sao là nhà trường không liên quan đến quỹ mà vẫn nâng cao đời sống cho giáo viên không phải qua bất kỳ một kênh nào khác.
Nhất là khi chúng ta đang thực hiện các chương trình mới để đổi mới giáo dục và đương nhiên giáo viên chính là lực lượng quyết định sự thành bại của đổi mới. Khi giáo viên không đủ sống bằng lương mà phải làm nghề khác như dạy thêm chui, rồi buôn bán…Vậy lực lượng nào sẽ tham gia đổi mới giáo dục?
Nếu chúng ta lập được quỹ, nâng cao đời sống cho giáo viên thì cơ quan quản lý có thể tập trung lực lượng để đổi mới chương trình giáo dục. Vì thế, chất lượng của chúng ta mới có những thay đổi tích cực hơn.
Còn nếu như bây giờ, lương giáo viên vẫn thấp thì chúng ta buộc phải chấp nhận chất lượng giáo dục vẫn không ổn và tương lai của đất nước sẽ ra sao chúng ta có thể dự đoán được.
Thực chất đề xuất giải cứu giáo viên của tôi khiến nhiều giáo viên chạnh lòng là điều có thể hiểu được. Giống như thời gian qua chúng ta nói giải cứu lợn hay giải cứu dưa hấu nhưng thực chất là giải cứu người nông dân. Ở đây câu chuyện “ giải cứu giáo viên “ thực chất là làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục”.