Giải bài toán phát triển bền vững từ việc lồng ghép các chương trình giáo dục
Với sứ mệnh tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam, Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E) đã và đang xây dựng nhiều dự án, chương trình và hoạt động gắn kết giữa doanh nghiệp, các tổ chức bảo vệ môi trường và truyền thông cộng đồng.
Một trong những hoạt động đầy tính sáng tạo trong chuỗi các hoạt động của VB4E là chương trình Rung Chuông Vàng do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cùng các đối tác vừa tổ chức với sự tham gia của các em học sinh đến từ 10 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Chương trình giúp các em học sinh tìm hiểu kiến thức về môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa, biến đổi khí hâu, bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn các loài động vật quý hiếm.
Bên cạnh đó, các em còn được tham quan, trải nghiệm quy trình tái chế các loại vỏ hộp sữa, chai nhựa trực tiếp tại chương trình. Từ đó, các em học sinh sẽ thấy được ý nghĩa và tác dụng của việc phân loại rác thải tại nguồn trong việc hỗ trợ tái chế, giảm rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường. Chương trình sẽ là sân chơi cho các em học sinh, thế hệ tương lai của đất nước, có thêm ý thức bảo vệ môi trường và hình thành thói quen giảm sử dụng nhựa dùng một lần.
Theo bà Ngô Thị Nguyệt, Phó Trưởng phòng Giáo dục TP Vinh, tỉnh Nghệ An, bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng trong chương trình giảng dạy của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh. Trong thời gian tới, dự kiến hoạt động thu gom vỏ hộp sữa tại 10 trường đã tham gia chương trình sẽ được tiến hành với sự đồng hành của các tập đoàn và doanh nghiệp thu gom tái chế để các em học sinh và giáo viên có cơ hội được thực hành và duy trì hoạt động thu gom, góp phần giảm rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Vinh, Nghệ An.
“Chúng tôi chỉ đạo các trường lồng ghép chương trình thích hợp vào các môn học. Bên cạnh đó còn có những hoạt động khác trên địa bàn thành phố Vinh, điển hình như chương trình Tiết kiệm sinh thái”, bà Ngô Thị Nguyệt nói.
Thông qua chương trình Tiết kiệm sinh thái, học sinh trên địa bàn thành phố Vinh được giáo dục thông qua "ngày sinh thái" được tổ chức hàng tháng tại nhà trường. Trong ngày sinh thái, học sinh sẽ mang đến trường những rác thải có thể tái chế, thông qua đó các em nhận biết được các loại rác thải có thể tái chế và hiểu được cần ứng xử với rác thải như thế nào, làm sao để giảm thiểu rác thải trong cuộc sống. Tuy nhiên, bà Ngô Thị Nguyệt cho rằng, để giáo dục có hiệu quả rất cần sự vào cuộc của cha mẹ học sinh.
“Nếu các em không được thực hành tại nhà thì những kiến thức học được tại trường về phân loại và tái chế rác thải sẽ bị mai một. Ngược lại, nếu bố mẹ đồng hành cùng con tại nhà bằng những việc làm cụ thể thì sẽ góp phần mang lại hiệu quả to lớn”, bà Nguyệt cho hay.
Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề môi trường nhức nhối và cấp cách trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam.
Năm 2020, IUCN phối hợp cùng UNEP, Sáng kiến Life Cycle và EA Quantis công bố báo cáo của Việt Nam “Hướng dẫn Quốc gia về điểm nóng ô nhiễm nhựa và xây dựng hành động”. Báo cáo chỉ ra rằng tỷ lệ rác thải nhựa bị thải ra đại dương tại Việt Nam vào năm 2018 khoảng 4,7 kg/người/năm.
Tại Nghệ An, toàn tỉnh mỗi ngày thải ra khoảng 1.800 tấn chất thải rắn. Tuy nhiên, tổng lượng chất thải rắn được thu gom chỉ khoảng 1.400 tấn/ngày, chiếm 80%. Như vậy, còn khoảng 20% lượng rác thải rắn không được thu gom và chắc chắn một lượng lớn rác thải theo các dòng sông đổ ra biển, gây ô nhiễm môi trường biển và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân ven biển.
Tuân Nguyễn