Giấc mơ đưa nông sản Đà Lạt ra thế giới
“Truy xuất nguồn gốc sản phẩm” là một trong những giải pháp bảo vệ hữu hiệu cho người tiêu dùng. Công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được sử dụng từ lâu ở những quốc gia phát triển nhưng với người tiêu dùng Việt điều này vẫn khá mới mẻ. Đà Lạt Gap đã âm thầm làm điều này từ gần 10 năm qua với “giấc mơ” đưa nông sản Việt ra thế giới.
Ông Lê Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt GAP (áo trắng) bên trang trại rau thủy canh chuẩn Global GAP |
Cách đây gần 10 năm, khi nông dân vùng rau Đà Lạt còn quen với kiểu canh tác truyền thống, sản xuất rau sạch vẫn là rất mới thì nhà nông Lê Văn Cường đã ấp ủ mong ước: đưa nông sản Đà Lạt ra thế giới. Và rồi Công ty TNHH Đà Lạt Gap ra đời trong hoàn cảnh như thế, với kỳ vọng của người thành lập là đưa các sản phẩm rau an toàn, đạt chuẩn của Đà Lạt đến tay người tiêu dùng quốc tế. 10 năm, chặng đường không phải ngắn cũng không quá dài, giấc mơ của Giám đốc Lê Văn Cường đã thành hiện thực.
Từ năm 2008, ông Cường đã mạnh dạn đầu tư chuyển toàn bộ diện tích đất trồng rau của mình sang canh tác công nghệ rau sạch với hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới... hiện đại do sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài. Bằng nỗ lực của mình, năm 2009, các nông sản của Đà Lạt Gap đã được Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế - Codex chứng nhận đạt tiêu chuẩn của hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP). Không lâu sau đó, tháng 4 năm 2009, sản phẩm rau của ông Cường được chứng nhận đạt chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt quốc tế theo tiêu chuẩn Global Gap - chuẩn quốc tế châu Âu. Hiện tại, với hơn 15ha chuyên canh tác rau sạch theo các công nghệ mới như thủy canh, khí canh... Đà Lat Gap là thương hiệu uy tín, mỗi năm cung cấp trên 1.000 tấn loại rau, củ đạt chuẩn châu Âu cho thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Cường cũng cho biết thêm: “Để đạt tiêu chuẩn GlobalGap, công ty phải đáp ứng 120 tiêu chí nghiêm ngặt về các yếu tố: con người, môi trường, thực phẩm... do tổ chức Control Union của Hà Lan là đơn vị kiểm soát, phân tích, đánh giá theo định kỳ. Để làm được điều này, tất cả các sản phẩm rau sạch của công ty phải có nhật ký sản xuất, ghi lại toàn bộ quá trình trồng và chăm sóc để đảm bảo người tiêu dùng có thể truy xuất ngược nguồn gốc sản phẩm”. Và mỗi năm chi phí cho việc kiểm soát, đảm bảo tiêu chuẩn GlobalGap là khoảng 110 triệu đồng.
Đến giấc mơ “vựa rau quốc tế”
Chia sẻ về những bước tiến tiếp theo trong tương lai, ông Lê Văn Cường cho biết: Tôi may mắn đã được đến tham quan, học tập nhiều mô hình nông nghiệp cao ở các quốc gia hàng đầu như Hà Lan, Malaysia, Nhật Bản... và tôi thấy một điều là tất cả các yếu tố từ thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình canh tác, diện tích canh tác, nhân lực... không đâu bằng Đà Lạt. Thiên thời - địa lợi - nhân hòa, tôi tin rằng với tất cả những hoạch định cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện, trong tương lai không xa, chắc chắn chúng ta sẽ là “vựa rau quốc tế”, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia các Hiệp định TPP, FTA...
Nhận thức rõ định hướng mở rộng trong tương lai, ông Cường cũng trăn trở: “Gia nhập TPP, FTA... là cánh cửa mở ra thế giới cho nông sản Lâm Đồng, tuy nhiên, để mở cánh cửa lớn này, tôi nghĩ chúng ta cần một chìa khóa vững vàng, đó là chất lượng. Vì, theo tôi, được biết tuy hàng rào thuế quan được gỡ bỏ nhưng hàng rào kỹ thuật để tiến vào các thị trường lớn như châu Âu sẽ thiết lập rất khắt khe, nhất là yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Và những nông dân, doanh nghiệp như tôi phải ý thức rõ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản của mình. Về phần mình, tôi cũng đang trang bị sẵn sàng khi cánh cửa mở ra tôi sẽ bước vào dễ dàng bằng các sản phẩm đạt chuẩn của mình”.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong nền sản xuất rau sạch của Lâm Đồng, Công ty TNHH Đà Lạt Gap đã và đang có những bước đi đúng đắn, nhanh nhạy nắm bắt thời cơ để hội nhập quốc tế. Không chỉ là mô hình đáng để nhân rộng, học hỏi mà Đà Lạt Gap sẽ là một trong những doanh nghiệp góp phần đưa Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành “vựa rau quốc tế” trong tương lai không xa.
Nguồn: Diễm Thương/baolamdong.vn