Giá xăng giảm mạnh ngang với nước khoáng, giá hàng hoá, vận tải vẫn đứng im
Giá xăng dầu về mức thấp nhất trong 13 năm qua, giá 1 lít xăng ngang với nước khoáng, nhưng giá cước vận tải, hàng hoá tiêu dùng, thực phẩm vẫn không hề giảm.
Giá xăng giảm mạnh nhưng thực phẩm vẫn 'đứng yên' |
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm 8 lần liên tiếp với mức giảm tổng cộng của xăng RON95 là 9.359 đồng/lít, xăng E5RON92 là 8.939 đồng/lít.
Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5RON92 hiện là 10.942 đồng/lít và xăng RON95 là 11.631 đồng/lít, dầu hoả là 7.965 đồng và mazut tối đa 8.670 đồng mỗi kg. Giá xăng dầu về mức thấp nhất trong 13 năm qua.
Tuy nhiên, trong 4 tháng xăng dầu giảm giá thì giá cước vận tải, hàng hoá vẫn đứng yên. Trong khi chi phí nhiên liệu chiếm đến 35% giá cước vận tải.
Vừa liên hệ mua xe khách giường nằm từ Hà Nội về Vinh, anh Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết giá vé tại các nhà xe vẫn giữ nguyên, dao động từ 170.000-250.000 đồng/vé. Đợt lễ 30/4 vừa qua có nhà xe còn tăng giá thêm 30.000 đồng/vé vì đông khách. Tương tự giá vé taxi cũng không hề giảm.
“Từ nhà tôi đi taxi ra bến xe nước ngầm là 170.000, bắt Grab thì giá cao hơn khoảng 5.000-10.000 đồng tuỳ thời điểm. Lúc giá xăng 21.000 đồng/lít thì giá cước vẫn thế, hiện giá xăng giảm kỷ lục, chỉ còn 11.000 đồng/lít thì giá cước cũng không thay đổi, chẳng nhúc nhích tí nào trong khi trước đây mỗi lần xăng tăng thì cái gì cũng rục rịch tăng theo”, anh Khang cho hay.
Theo chủ một nhà xe, dù giá xăng giảm nhưng trong thời gian dịch bệnh, vận tải hành khách gần như tê liệt, đến nay đã hoạt động trở lại nhưng nhà xe vẫn chưa được chạy hết công suất, khách đi lại giảm, trong khi vẫn phải trả lương, và đóng các loại phí nên nhà xe cũng gặp nhiều khó khăn, giá vé không giảm là vì thế.
Không chỉ giá xăng, giá điện cũng giảm nhưng cũng không tác động gì đến giá cả hàng hoá thực phẩm, khiến nhiều bà nội trợ kêu trời.
Chị Lương (Phạm Văn Đồng, Hà Nội) nói: “Mỗi lần xăng tăng, giá cả hàng hoá ngay lập tức, lại 'té nước theo mư' cũng tăng theo nhưng hiện giá xăng giảm một nửa rồi mà hàng hoá vẫn tăng cao. Như giá thịt lợn, tôi chờ mấy tháng nay rồi vẫn chưa chịu giảm giá”.
Thậm chí mấy ngày nay, giá lợn hơi tăng dựng đứng lên ngưỡng 96.000 đồng/kg tại miền Bắc. Tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi đang dao động trong mức 86.000-90.000 đồng/. Dự báo, nhu cầu tăng cao đột biến do các trường học hoạt động trở lại khiến giá lợn hơi tăng trong ngắn hạn.
Do giá lợn hơi tăng nên tại chợ, siêu thị, giá lợn hơi vẫn giữ ở mức cao. Giá thịt ba chỉ tại chợ phổ biến ở mức 170.000 đồng/kg, sườn 180.000- 200.000 đồng/kg, nạc mông 150.000 đồng/kg, tim lợn 300.000 đồng/kg, móng giò 120.000 đồng/kg.
Giá rau xanh giảm nhẹ |
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), theo khảo sát của PV, giá các mặt hàng thuỷ hải sản như tôm sú vẫn giữ ở mức 380.000 đồng/kg (loại 30 con/kg), ngao hoa, ngao hai cùi 100.000 đồng/kg, mực 250.000-300.000 đồng/kg, cá trắm đen 180.000 đồng/kg, cá rô phi 40.000 đồng/kg, cá chép, cá diêu hồng 60.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng cua đồng do nắng nóng, nhu cầu tăng cao nên được bán phổ biến ở mức 160.000-170.000 đồng/kg, tăng 10.000-20.000 đồng/kg so với thời điểm trước nắng nóng. Còn giá gà ta 120.000 đồng/kg, trứng gà ta 40.000 đồng/chục… Mức giá này so với trước đó 1-2 tháng hầu như không có gì thay đổi.
Các mặt hàng rau xanh như rau muống, rau mồng tơi 5.000-6.000 đồng/mớ, rau ngót 6.000 đồng/mớ, mướp 20.000 đồng/kg, cà chua 35.000 đồng/kg, cải xanh 8.000 đồng/mớ…
Chị Liên bán rau củ tại chợ nghĩa Tân cho biết, giá mặt hàng rau củ giảm không phải do giá xăng mà tuỳ vào cung cầu thị trường. Đợt này thời tiết thuận lợi nên rau phát triển tốt. Các loại rau củ quả mùa hè năng suất cao, nguồn cung dồi dào, nên một số loại giá giảm hơn so với trước. Chẳng hạn bí xanh từ 20.000-25.000 đồng/kg nay còn 10.000-15.000 đồng/kg, mướp đắng 20.000 đồng/kg giảm còn 15.000 đồng/kg…