Giá USD tăng kỷ lục tới 21.590 đồng/USD: Tiền vẫn nên giữ trong túi?
Sau hai ba phiên giá đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng “êm êm” trở lại, thì tới chiều 24/3 giá đồng bạc xanh ghi nhận mức kỷ lục, lên tới 21.590 đồng/USD. Mức giá này chỉ còn cách “trần” cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 10 đồng/USD.
Là một trong những nhà băng luôn được lấy làm “giá tham chiếu” cho giao dịch ngoại tệ, giá USD tại Vietcombank cũng lên mức 21.515 – 21.575 đồng/USD.
Trong hệ thống Eximbank mỗi đồng USD đổi được 21.490 đồng mua vào và 21.570 đồng bán ra…
Ngân hàng có bảng niêm yết tỷ giá cao nhất trong hệ thống hiện thuộc về DongABank khi nhà băng này đẩy giá bán ra “vọt” lên tới 21.590 đồng/USD, đắt hơn 15-20 đồng/USD so với nhiều nhà băng khác.
Tận dụng tỷ giá biến động, nhiều nhà băng nâng mức bán ra gần sát trần cho phép của NHNN để kiếm lời. Cũng chính vì lẽ đó mà khoảng cách chênh lệch giữa mua vào – bán ra được các ngân hàng kéo dãn tới 60 – 150 đồng/USD.
Đáng nói, trong khi tỷ giá trong hệ thống ngân hàng liên tục “nóng”, thì tại các điểm giao dịch trên thị trường tự do, giá USD "chợ đen" hôm nay vẫn được báo loanh quanh mức 21.600 – 21. 680 đồng/USD, không có nhiều thay đổi so với những ngày qua.
Giá USD hôm nay"nổi sóng" trong hệ thống ngân hàng |
Nhìn vào diễn biến tỷ giá ngoại tệ trong 2 phiên trở lại đây, chia sẻ với Infonet chiều 24/3, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội nhận xét, tâm lý lo lắng việc USD tăng giá quá mạnh so với các đồng tiền khác lại “dấy lên” khiến tỷ giá tăng chút ít. Không phủ nhận hiện tượng giá đồng đô la tăng cao khiến doanh nghiệp nhập khẩu lo ngại và mua gom, đẩy tỷ giá trong hệ thống ngân hàng lên cao, vị này cho rằng, “dù chênh lệch mua vào – bán ra cao nhưng các ngân hàng vẫn rất dè chừng, cầu chưa có biểu hiện căng thẳng. Tâm lý sẽ lắng dịu và thị trường sẽ sớm điều chỉnh”. Theo ông, cam kết duy trì ổn định tỷ giá lúc này ngoài giúp trấn an tâm lý cũng sẽ giúp các doanh nghiệp tính toán được giá thành, tránh mua đắt, bán rẻ.
Câu hỏi đặt ra là trong lúc tình hình giá USD đang dâng cao như hiện tại thì có nên rút tiền để mua “đô”, hay “giữ nguyên tiền trong ví”?. Còn về mặt chính sách, liệu có cần thiết phải điều chỉnh thêm tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, trong mối tương quan khi đợt điều chỉnh gần đây nhất mới diễn ra được 2 tháng?
Nói về khả năng điều chỉnh tỷ giá thêm 1% của NHNN thời gian tới, ông Dominic Mellor – chuyên gia kinh tế quốc gia ADB cho rằng, với các nhà đầu tư nước ngoài việc ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát là thông số quan trọng nhất trong mọi quyết định đầu tư của họ. Hiện chênh lệch lãi suất huy động và lạm phát vẫn đang thực dương với mức lạm phát dự báo năm nay khoảng 2,5%, sẽ là động cơ để các nhà đầu tư đổ tiền vào Việt Nam.
“NHNN sẽ không nới lỏng quá mạnh chính sách trong thời gian tới vì lãi suất đang đủ sức hút đối với các nhà đầu tư, đồng thời NHNN cũng không còn quá nhiều dư địa để nới lỏng thêm nữa khi cam kết điều chỉnh tỷ giá của cơ quan này trong năm nay chỉ là 2%” – ông Dominic bình luận.
Cũng cho rằng, quyết định có điều chỉnh thêm tỷ giá ở thời điểm này hay chờ đợi, xem xét thêm tình hình, ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nói, chính sách tỷ giá phải nhìn từ dài hạn, trong mối tương quan chung với tất cả các chính sách khác, như lãi suất, lạm phát, thanh khoản tiền đồng và thậm chí cả vấn đề nợ công…. Đúng là hiện nay đồng USD đang tăng giá mạnh so với đồng EURO (từ đầu năm nay USD đã tăng 12% so với EURO), nhưng nếu chỉ nhìn vào diễn biến này mà cho rằng cần phải điều chỉnh tỷ giá ngay thì e chưa đủ cơ sở.
Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại hối cũng như dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng khá dồi dào, đủ để can thiệp trên thị trường, thể hiện qua cung ngoại tệ dồi dào, cán cân thanh toán thặng dư, không có hiện tượng khan hiếm.
Lâu nay người Việt vẫn chạy theo tâm lý, cứ thấy giá biến động là lại “nhao” đi mua vào (cả với vàng, USD…), rồi tới lúc thị trường điều chỉnh xuống thì lại tiếc rẻ vì đã phải mua đắt. Do đó, rút tiền Việt để đổi sang đồng USD vào thời điểm này không phải là một quyết định khôn ngoan, khi giá đang cao và lãi suất đồng USD hiện đang rất thấp, chỉ 0,75%/năm.
“Thị trường vẫn bị dẫn dắt bởi yếu tố tâm lý, khi yếu tố này ổn định thì những đợt “nổi sóng” của USD sẽ giảm nhiệt, chấm dứt” – ông bình luận.
Và có lẽ lúc này thị trường đang chờ đợi một sự phản ứng chính sách hay đơn thuần chỉ là “tiếng nói” từ phía NHNN để “xoa dịu”, giống những “đợt phản ứng nhanh” trước đây của cơ quan này, mỗi khi thị trường “sóng” là gần như ngay lập tức sẽ có một thông điệp trấn an thị trường. Tuy nhiên, tới nay NHNN vẫn chọn sự im lặng.