Gia tăng lao động bỏ trốn vì DN bội ước
Gia tăng lao động bỏ trốn vì DN bội ước
Buổi tọa đàm về xuất khẩu lao động diễn ra ngày 3/5 do Báo Lao động tổ chức đã làm rõ hơn về thực trạng này.
Với xuất khẩu lao động, Đài Loan luôn được coi là thị trường trọng điểm của Việt Nam nhiều năm nay. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã đưa 250 nghìn lượt người sang làm việc tại Đài Loan (trung bình khoảng 23 nghìn lao động/ năm). Số lao động tại quốc gia này chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, phục vụ xã hội và cá nhân, xây dựng, nông lâm nghiệp…
Cũng từ năm 2004, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 63 nghìn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông, làm việc trong ngành sản xuất chế tạo, nông nghiệp, xây dựng…
Người lao động bỏ trốn chủ yếu do mức lương không đúng thỏa thuận, môi trường làm việc khắc nghiệt. Ảnh minh họa: internet |
Tuy nhiên ở hai thị trường này đang tồn tại khá nhiều phức tạp, điển hình là thực trạng người lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp.
Đối với thị trường Đài Loan, tình trạng người lao động bỏ trốn tăng nhanh với khoảng 6.600 lao động mỗi năm. Con số này chiếm khoảng 8% trên tổng số lao động đang làm việc tại Đài Loan.
Cũng theo số liệu của Bộ Nội vụ Malaysia, tính đến cuối tháng 9/2011, tổng số lao động Việt Nam đang làm việc bất hợp pháp tại nước này khoảng 13.515 người, trong đó hơn 11 nghìn người đã đăng ký ở lại làm việc.
Thậm chí ngay tại thị trường Hàn Quốc, theo thống kê của Bộ Lao động và Việc làm của quốc gia này thì có khoảng 8.780 trên tổng số 60 nghìn lao động tại đây đang cư trú bất hợp pháp. Nghiêm trọng hơn là tình trạng người lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng tăng lên trong thời gian gần đây.
Trước thực trạng tỷ lệ người lao động bỏ trốn, cư trú và làm việc bất hợp pháp ngày một tăng cao, dư luận đang tự hỏi vì sao lại xảy ra tình trạng này?
Anh Tiến, một lao động Hàn Quốc vừa trở về Việt Nam cho biết, nguyên nhân dẫn tới thực trạng người lao động bỏ trốn chủ yếu do môi trường làm việc khắt khe, mức lương không được như mong muốn, người lao động không được đối xử tốt… Vì thế, dù mức lương sẽ thấp hơn lao động hợp pháp, người lao động vẫn bỏ ra ngoài tìm kiếm việc làm khác trong môi trường thuận lợi hơn.
Đại diện Công ty CP xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch cho rằng, người lao động bỏ trốn vì bị các đối tượng sống lưu vong lôi kéo, xúi giục. Ngoài ra nguyên nhân còn xuất phát từ thực trạng lao động hết thời gian hợp đồng nhưng không muốn quay về, họ trốn ở lại để kiếm thêm thu nhập.
Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam Phạm Đỗ Nhật Tân cho biết, khi gần hết thời hạn hợp đồng, người lao động thường trốn ra ngoài làm để bù đắp chi phí, tăng thêm thu nhập. Theo ông Tân, khi có vấn đề gì xảy ra với người lao động, cơ quan quản lý nhà nước và phía doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc phải đứng lên giải quyết kịp thời.
Ông Tân cũng cho rằng, trước khi sang làm việc người lao động phải hiểu được công việc họ sẽ làm. Bên cạnh đó phía doanh nghiệp ký hợp đồng với người lao động cũng cần tuyển chọn trực tiếp, tránh qua khâu môi giới để giảm chi phí. Đặc biệt người lao động phải được đào tạo, giáo dục định hướng để nâng cao ý thức tự tôn dân tộc.
Ông Trần Văn Tư, Trưởng phòng cơ chế chính sách, Ban Chính sách – pháp luật (Tổng LĐLĐVN) thì cho rằng, người lao động bỏ trốn chủ yếu do mức lương người lao động nhận được không đúng như thỏa thuận. Theo ông Tư có không ít chủ sử dụng lao động đang lợi dụng sự kém hiểu biết pháp luật của người lao động Việt Nam để bớt xén các khoản chi cho người lao động theo luật định để tăng lợi nhuận.
Ông Tư cho rằng đây chính là những động lực ngầm khiến một bộ phận không nhỏ người lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài tìm kiếm việc làm có mức thu nhập và điều kiện lao động cao hơn, nên vi phạm hợp đồng lao động đã ký, từ đó dẫn đến vi phạm pháp luật nước tiếp nhận.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Tư cho rằng, cần phải tổ chức khảo sát, nghiên cứu đánh giá thực tế tình hình người lao động Việt Nam đã và đang làm việc tại nước ngoài. Từ đó cần có sự sửa đổi bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật hiện hành, trước hết là luật người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nguyễn Dũng