Giá lợn hơi thấp nhất thế giới: Bộ trưởng kêu gọi DN bán hàng không lấy lãi
Trước tình hình nguy cấp của ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi phải có trách nhiệm chia sẻ cùng bà con, thậm chí trong thời điểm này bán hàng không cần lấy lãi.
Sáng 24/4, Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp nhằm tìm giải pháp ổn định, phát triển ngành chăn nuôi.
Cục Chăn nuôi cho biết, giá lợn hơi loại tốt (khối lượng trung bình từ 100-110kg/con) đã xuống thấp dưới 28.000 đồng/kg, có nơi xuống dưới 25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới.
Giá lợn hơi hiện nay giảm xuống mức chưa từng có, có nơi chỉ còn 15.000 đồng/kg khiến người nuôi lao đao |
Theo đánh giá, đây là mức giá giảm thấp nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, và cũng là thấp nhất trên thế giới.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, có hai nguyên nhân chính khiến giá lợn giảm sâu.
Thứ nhất là do cung lớn hơn cầu. Trong 15 năm qua, chăn nuôi trong nước đạt mức tăng trưởng cao. Như sữa tăng trưởng 15 lần, đạt 800.000 tấn; thịt các loại tăng hơn 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn; nuôi trồng thủy sản tăng 4,3 lần, từ 0,8 triệu tấn lên 3,6 triệu tấn…
Nhờ mức tăng trưởng này đã thỏa mãn nhu cầu trong nước, nhưng cũng làm thay đổi cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn.
“20 năm trước, trong mâm cơm chủ yếu thịt lợn thì nay đã khác, thêm trứng, sữa, thịt gà, bò…làm đè nặng, áp lực hơn sức cầu thịt lợn”, Bộ trưởng cho hay.
Thứ hai là nguyên nhân tổ chức ngành hàng chưa tốt. Cụ thể, trong tổ chức sản xuất, quy mô trang trại vừa và lớn chỉ chiếm 45%, còn 55% là quy mô hộ nhỏ lẻ.
“Chúng ta có xấp xỉ 3 triệu hộ chăn nuôi lợn dẫn đến giá thành cao, rất khó kiểm soát chuỗi. Hầu hết sản xuất nhỏ nên tách rời các khâu: nuôi, chế biến, phân phối… khi thị trường có sự cố rủi ro như bây giờ rất thiệt thòi cho người chăn nuôi”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp |
Trong khi đó, khâu chế biến sâu chỉ có ở các doanh nghiệp lớn. Khâu tiêu thụ sản phẩm vẫn theo cách truyền thống, chủ yếu giết mổ bán tươi. Sự liên kết của người chăn nuôi trong cả chuỗi không tốt.
Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT có đề ra các nhóm giải pháp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, giải pháp căn cơ nhất là tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn, giảm quy mô, tốc độ đến mức phù hợp nhất, giảm về số lượng, đặc biệt là lợn nái.
“Hiện nay 4,2 triệu con nái là quá lớn. Mục tiêu đến 2019 giảm xuống còn 3 triệu con nái, giảm cơ học nhưng tăng về chất lượng. 3 triệu con nhưng mức sinh sản sẽ như 4,2 triệu con”, Bộ trưởng nói.
Mặt khác, tập trung tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng hình thức chăn nuôi tập trung. Nếu để 3 triệu hộ đơn lẻ thì không thể nào có hiệu quả kinh tế, không thể nào lường trước được rủi ro thị trường. Phải tổ chức lại những hộ chăn nuôi lợn riêng lẻ dưới dạng hợp tác xã, tổ đội, doanh nghiệp nhỏ. Một số bộ phận nông hộ có điều kiện có thể tìm đối tượng khác thay thế, không nhất thiết phải nuôi lợn. Có thể tăng chăn nuôi đại gia súc khác như trâu, bò, dê…
Đồng thời, Bộ cũng kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm.
Bộ cũng sẽ tập trung mở thị trường xuất khẩu chính ngạch, cùng với phát triển thị trường trong nước. Hiện nay, Bộ đang quyết liệt trong việc mở thị trường xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc. Tại Hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam sắp tới, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc sẽ sang làm việc trực tiếp với Việt Nam về vấn đề xuất khẩu chính ngạch thịt lợn. Bộ trưởng kỳ vọng hai bên sẽ tìm được giải pháp để xuất khẩu thịt lợn sang thị trường lớn này.
Về giải pháp trước mắt, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, phải giảm ngay yếu tố đầu vào để hạ giá thành như cám, giống… Bộ trưởng kêu gọi các các doanh nghiệp rà soát lại các công đoạn quản trị, quy trình; tăng thu mua dự trữ, chế biến.
“Thậm chí lúc này doanh nghiệp bán hàng không cần lấy lãi. Trong lúc này phải có trách nhiệm chia sẻ với người nuôi, đây cũng là biện pháp nuôi dưỡng thị trường lâu dài. Cả một quá trình chúng ta phát triển, đồng hành cùng bà con, 20 năm thắng lợi, đến lúc rủi ro này, chúng ta phải có trách nhiệm chia sẻ. Đó vừa là nét văn hóa, vừa là thương mại bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh.