Giá đô la Mỹ tăng đột ngột, “chợ đen” loạn giá
USD trong và ngoài ngân hàng đều "nóng"
Trong vòng chưa đầy 3 tháng, tỷ giá ngoại hối đã chứng kiến liên tiếp 2 “đợt sóng”. Từ 10 ngày nay giá USD cả trong và ngoài hệ thống ngân hàng liên tục có “sóng”. Đây cũng là đợt sóng thứ 2 của đồng bạc xanh trong vòng chưa đầy 3 tháng qua. Điều bất thường ở chỗ, thường những tháng đầu năm không phải là thời kỳ “cao điểm” của tỷ giá khi nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp ở mức thấp do vừa mới vào đợt sản xuất kinh doanh mới.
Tình hình giá đô la Mỹ cả trong và ngoài hệ thống ngân hàng đều "nóng" lên những ngày qua. |
Ghi nhận trên hệ thống ngân hàng, sau một phiên chững giá ngắn ngủi tới chiều 18/3 tỷ giá USD lại “bùng phát” trở lại. Tăng mạnh nhất đồng USD trong khối ngân hàng thương mại phải kể Eximbank khi giá bán ra được nhà băng này báo ở mức 21.540 đồng/USD vào chiều 18/3. Chỉ trong vòng 2 ngày, giá bán ra USD tại ngân hàng này đã tăng thêm 40 đồng/USD. Có mức giá niêm yết rẻ hơn 20 đồng/USD chiều 18/3 là Vietcombank, ở mức 21.520 đồng/USD. Ở chiều mua vào, các ngân hàng đều niêm yết quanh mức 21.450-21.460 đồng/USD.
Còn nhớ, ngày 7/1 vừa qua khi thị trường chứng khiến “đợt sóng” tỷ giá thứ nhất, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá tăng thêm 1% với lý do “ổn định thị trường, hỗ trợ xuất khẩu”. Ở thời điểm đó, tỷ giá trên thị trường “chính thống” xoay quanh mức 21.450 - 21.470 đồng/USD.
Ở đợt sóng tỷ giá thứ 2 này điều đáng chú ý là khoảng cách giữa chiều mua – bán được nới lên khá rộng, bình quân từ 70-90 đồng/USD tùy từng ngân hàng. Nhưng giá USD tăng mạnh nhất phải kể tới là giá USD ở thị trường “chợ đen”, khi các chủ tiệm trao đổi ngoại tệ đua nhau “hét” giá.
Chiều muộn ngày 18/3 các điểm giao dịch trên phố Hà Trung vẫn tấp nập người mua, kẻ bán đô la Mỹ. Hầu hết đều đồng loạt báo giá 21.800 – 21.850 đồng/USD, tăng 40 đồng/USD chiều bán ra so với đầu giờ chiều. Thậm chí có tiệm còn “hét” giá lên tới 22.000 đồng/USD bán ra. Do ngân hàng chỉ đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho doanh nghiệp, nên với người dân có nhu cầu mua ngoại tệ thời điểm này tại thị trường tự do sẽ phải chịu giá đắt hơn tới 460 đồng/USD.
“Em muốn mua hay bán đô. Mua bao nhiêu cũng có nhưng giá hôm nay hơi cao đấy, 21.810 đồng/USD. Giá biến động theo thời điểm chứ không phải theo ngày đâu”- chủ một cửa tiệm trao đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung đon đả khi PV vừa ngỏ ý hỏi tỷ giá giao dịch. Chỉ cần gật đầu có nhu cầu mua ngay lập tức sẽ có nhân viên cửa hàng phụ trách dẫn vào khu vực giao dịch sâu bên trong cửa hàng.
Vẫn chưa cần nới thêm tỷ giá USD
Trước diễn biến “leo dốc” đột ngột của tỷ giá USD gần 10 ngày qua, đã tới lúc cần sự tác động điều chỉnh thêm biên độ tỷ giá? Đa số các ý kiến từ chuyên gia kinh tế, lãnh đạo ngân hàng thương mại mà Infonet tham vấn đều khẳng định “cần quan tâm, nhưng chưa tới lúc điều chỉnh thêm”.
Ông Nguyễn Thanh Toại – Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu cho rằng, việc giá đồng đô la Mỹ “đột ngột” đắt lên trong hệ thống ngân hàng là phản ứng của thị trường khi đồng USD đang mạnh lên một cách kỷ lục trên thị trường thế giới. USD lên giá sẽ khiến doanh nghiệp nhập khẩu bất lợi, nhưng lại khiến nhiều ông chủ xuất khẩu hàng “nhoẻn cười” nếu đối tác thanh toán tiền hàng bằng đồng USD vào dịp này.
Riêng với ngân hàng, vị Phó tổng giám đốc này cho biết, nguồn cung của ngân hàng vẫn đảm bảo do lượng tiền ngoại tệ doanh nghiệp bán cho ngân hàng đều đặn.
So với tỷ giá “trần” niêm yết của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện ở mức 21.600 đồng/USD, thì hiện tỷ giá bán ra của ngân hàng vẫn cách trần khoảng 60 đồng/USD. “Việc điều chỉnh nới thêm tỷ giá có hay không cần theo dõi thêm diễn biến của thị trường và chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ có đối sách hợp lý” – ông nói.
Trong cùng một diễn biến, đêm 18/3 (theo giờ Việt Nam) Ngân hàng trung ương Mỹ (FED) có phiên họp quyết định về chuyện có tăng hay không lãi suất vào tháng 6 tới đây. Theo nhận định của các nhà phân tích trên phố Wall thì nếu quyết định này được đưa ra thì giá USD tất yếu sẽ tăng mạnh hơn nữa so với các đồng tiền chủ chốt.
Tránh yếu tố tâm lý là quan điểm TS. Cấn Văn Lực đưa ra trước tình hình giá đô la Mỹ những ngày qua. Vị chuyên gia này cho rằng, dù có diễn biến tăng đột ngột nhưng cơ quan điều hành vừa điều chỉnh biên độ tỷ giá 1% hồi tháng 1/2015, cộng thêm nhu cầu về ngoại tệ của doanh nghiệp, thị trường ở thời điểm này không phải quá “nóng” nên “không có lý do gì để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh nốt 1% biên độ tỷ giá còn lại”.
Tuy nhiên, cân nhắc điều chỉnh biên độ tỷ giá càng thêm chú ý khi theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam đang quay lại nhập siêu 1,21 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2015.