Vườn sân thượng đẹp như cổ tích của cô giáo dạy nấu ăn
Thay vì trồng rau trong xô chậu như kiểu truyền thống, chị Huyền đã cải tạo sân thượng thành không gian thư giãn đẹp lung linh giữa lòng thành phố.
Ngày nay, nhiều người chọn làm vườn không chỉ để có thêm nguồn rau sạch cho bữa ăn hàng ngày, mà còn xem đó là một hoạt động thư giãn và trang trí nhà cửa. Với chị Huyền (42 tuổi, TPHCM), hiện là cô giáo dạy nấu ăn, làm vườn giống như bộ môn nghệ thuật, nơi chị thỏa sức thiết kế, biến không gian sống thành khu vực siêu "chill" và mang thiên nhiên vào cuộc sống hàng ngày.
Khu vườn của chị Huyền tọa lạc ở quận Tân Phú, nằm ở hướng chính đông, trên tầng 4 của căn nhà. Thế nhưng thoạt nhìn, chẳng ai nghĩ đây là vườn sân thượng, vì cây cối và mọi sự sắp đặt đều gợi lên hình ảnh của một khu rừng tự nhiên, tĩnh lặng, đẹp mỹ mãn.
Khu vườn sân thượng nhà chị Huyền có cách bày trí như vườn đất.
Mê vườn 20 năm không chán vì trồng rau nghệ thuật
Chị Huyền tâm sự, chị yêu vườn và chơi cây cảnh được gần 20 năm. Từ năm 2005, chị "bén duyên" với lan cảnh, và còn từng phân phối lan cho nhiều tỉnh thành miền Trung và miền Bắc. Khu vườn hiện tại cũng ngót nghét 8 năm tuổi, có từ khi chị chuyển về nhà mới vào năm 2014. Chị kể: "Ban đầu nơi đây chỉ là vườn chim nho nhỏ, trồng cỏ bình thường thôi. Đến mùa dịch, mình mới có ý định trồng rau. Mình thấy ở Việt Nam, khi trồng rau sân thượng, mọi người thường trồng trong xô chậu và rất vất vả trong vấn đề giữ vệ sinh nền. Mình muốn làm vườn rau đẹp, mang tính nghệ thuật nên mới đổ đất, xử lý chống thấm thật kỹ để trồng được nhiều”.
Nghĩ là làm, chị Huyền thuê thợ xử lý chống thấm kỹ càng rồi đổ đất cao 10cm (1 tấc) so với mặt sàn sân thượng để trồng rau. Khâu vận chuyển vô cùng khó khăn, vì tất cả phải đi bằng thang bộ. Mất ròng rã một tháng trời, khu vườn mới thành hình. Riêng việc sửa sang vườn trước, chị Huyền làm trong 3 tháng vì còn làm giếng cổ, mô phỏng lại hình ảnh Hội An. Với chị Huyền, vì tình yêu vườn, không gì là khổng thể.
"Nếu nói về đầu tư thì mình dành rất nhiều thời gian, vì vừa thiết kế, vừa sửa chữa, đập đi xây lại nhiều chỗ. Còn kinh phí không đáng bao nhiêu vì mình chủ yếu tận dụng đồ tái chế như những hòn đá đẹp, gốc tre,... mà mình sưu tập được. Mình chỉ thêm mua 3 bánh xe bò, khoảng 10 triệu. Tiền công thuê thợ sơn sửa, chống thấm khoảng 15 - 20 triệu", cô giáo ở quận Tân Phú cho biết.
Sau khi vườn hoàn thiện, việc chăm sóc và bảo dưỡng cũng vất vả không kém. Vì vườn ở trên cao, còn trồng trong đất thay vì xô chậu nên rất dễ ngập úng vào trời mưa. Nhà chị Huyền có lắp tấm kính khoảng 5 ly để hạn chế nước tạt trực tiếp vào vườn. Trời gió to hay nắng lớn cũng là thách thức. Trong những ngày hè, chị Huyền phải tưới nước 4 ngày/lần.
Chị bộc bạch: "Việc trồng cây trên sân thượng rất vất vả, đòi hỏi siêng năng và kiên nhẫn rất nhiều. Thế nên nếu mình làm vườn sân thượng theo kiểu truyền thống, chỉ đơn thuần là những chậu nhựa xếp cạnh nhau thì có lẽ chỉ sau vài năm mình sẽ nhàm chán. Mình đam mê vườn hơn 20 năm nay cũng vì mình luôn kết hợp tính nghệ thuật, mang phong cảnh thiên nhiên, như mô hình thu nhỏ, vào không gian nhà. Như vậy mình sẽ luôn cảm thấy tươi mới mỗi khi lên thăm vườn".
Vườn có đa dạng rau trái, xanh mơn mởn.
Khu vườn đẹp như tranh, không gian cổ kính
Đúng như lời chị Huyền, khu vườn nhỏ 4m3 x 15m là một không gian đầy tính nghệ thuật gồm vườn trước và vườn sau. Mỗi ngóc ngách đều được cô giáo ở Tân Phú chăm chút tỉ mỉ, mang nhiều dụng ý. Chẳng hạn, chị Huyền sử dụng bánh xe bò làm chủ thể chính cho khu vườn.
Chị giải thích: "Vườn sân thượng trước có 2 bánh xe bò và một quầy bar, do mình làm công việc dạy nấu ăn nên muốn tạo một điểm nhấn về nghề nghiệp, đồng thời tạo nhận diện thương hiệu. Thế nên mình mới thiết kế bánh xe bò làm backgroud, khi nắng lên, bánh xe sẽ phản chiếu lên rèm rất đẹp.
Mình rất tâm đắc với hình ảnh này vì bánh xe bò cũng như bánh xe cuộc đời, chia làm nhiều ô giống như công danh, sự nghiệp, sức khỏe, tiền tài, nhưng sau tất cả, cái trục của bánh xe là quan trọng nhất. Dù mình làm trong lĩnh vực nào, mình phải giữ cái trụ đạo đức là cốt lõi".
Khu vực vườn trước có bánh xe, quầy bar, cây tre và nhiều tiểu cảnh gợi lên khung cảnh làng quê yên bình.
Trong khu vực trồng rau ở vườn sau, chị Huyền có thiết kế 2 tổ chim bồ câu nhằm "ngụy trang" cho cục nóng máy lạnh. Đến thùng ủ rác hữu cơ, cũng được chị Huyền trang trí khéo léo, đắp xi măng và sơn vẽ như một khúc cây. Nhờ đó, tổng thể khu vườn hài hòa, có sự liên kết từ những chi tiết nhỏ nhất.
Khu vực vườn sau được chị Huyền chống thấm kỹ càng, đổ đất để trồng rau.
Tổ chim nhằm che cục nóng điều hòa.
Bình ủ rác làm từ bình nước 20 lít, đắp xi măng, giả làm gốc cây.
"Vườn cây và nấu bếp trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống mình, giống như thức ăn cho tâm hồn. Ngày nay, có rất nhiều người tìm đến thiên nhiên để chữa lành vết thương lòng, giải tỏa áp lực công việc. Đặc biệt, mình muốn làm điều gì đó nhằm nâng tầm nông sản Việt Nam. 2 năm trở lại đây sau mùa dịch, mình gần như không mua hoa ngoại nhập mà tận dụng cỏ, tỏi, hạt cà phê tươi,... trang trí vườn nhà", chị Huyền tâm sự.
Chị Huyền trang trí nhà, vườn với nông sản Việt Nam.
Vườn cải cao 3m ở Đắk Lắk nhờ bí quyết của mẹ trẻ, muốn hái phải bắc thang
Vườn cải kale của mẹ trẻ vươn cao như cây cau, xanh tươi và cho rau quanh năm.
Theo phunuvietnam.vn