Chồng lén lút nuôi 'tiểu tam' vì... vợ sòng phẳng, giỏi kiếm tiền
Chúng tôi gặp nhau trong một buổi tiệc dành cho sinh viên từ thời cả 2 còn du học Úc. Cuộc gặp gỡ đó chính là cái duyên để chúng tôi yêu nhau suốt 5 năm ở nước ngoài.
Học tập, tiếp xúc với văn hóa nước ngoài nên chúng tôi hình thành lối suy nghĩ rất hiện đại. Mỗi lần chúng tôi đi ăn uống, xem phim hay đi du lịch cùng nhau thì đều chia đôi các chi phí vì không muốn phụ thuộc hay lợi dụng nhau về tiền bạc.
Khi về Việt Nam, hai gia đình môn đăng hộ đối nên chúng tôi thuận lợi có một đám cưới trong mơ khiến bao người phải ngưỡng mộ. Và sau khi kết hôn chúng tôi vẫn giữ thói quen tiền ai nấy giữ, lương ai nấy tiêu, còn nếu mua sắm đồ dùng trong nhà, điện nước, ăn uống hay đối nội, đối ngoại, các vấn đề về sức khỏe thì cùng bàn bạc và “cưa đôi”.
Trong trường hợp không thống nhất được ý kiến, chẳng hạn như chồng tôi muốn mua máy tập thể dục nhưng tôi không thích thì anh ấy phải tự bỏ tiền của mình ra mua.
Chúng tôi không hề biết thu nhập chính xác của đối phương, bởi lẽ, tôi và chồng đều làm nhân viên kinh doanh nên ngoài lương cố định còn có nhiều khoản thu nhập khác. Nhìn chung, về cơ bản, chúng tôi đều thoải mái tiêu xài với số tiền mà mình kiếm được.
Vợ chồng không nên quá sòng phẳng về tiền bạc (ảnh minh họa) |
Vấn đề chỉ nảy sinh khi chúng tôi có con, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện tiết kiệm và tích trữ. Trong khi anh là người quá phóng khoáng, kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu mà không nghĩ nhiều tới tích lũy phòng khi ốm đau hoặc sa cơ lỡ vận. Anh có niềm đam mê đặc biệt với công nghệ nên thường mạnh tay săn tìm các loại điện thoại, máy tính phiên bản mới nhất. Còn ô tô, có năm anh đổi xe đến 3 lần.
Rồi việc gì đến cũng đến, công ty mà anh đầu quân phá sản, anh cũng theo đó mà điêu đứng. Năm ấy, anh nhảy việc khắp nơi nhưng cũng chẳng đâu vào đâu. Chán nản công việc, anh đi du lịch với đám bạn thân mà chẳng cần nghĩ đến vợ bận bịu đi làm, con thì ốm.
Cứ vậy, anh không làm việc gì cả, hết tiền đi chơi anh quay về vay vợ mà chẳng hẹn ngày trả. Con số anh nợ tiền bạn bè cũng theo đó tăng chóng mặt. Tôi cũng không hiểu anh làm gì mà lại tiêu tiền nhanh và nhiều đến vậy.
Dần dà anh đi sớm tối nhiều hơn, trách nhiệm với vợ con cũng chẳng còn. Hai năm sau, tôi phát hiện anh phản bội tôi, hóa ra anh mang tiền đi mở cửa hàng cho bồ kinh doanh. Họ thậm chí cùng thuê một căn chung cư cao cấp và sống như vợ chồng bao lâu mà tôi không hề biết.
Đối diện với vợ, anh giải thích rằng anh không có cảm giác gia đình khi sống cùng tôi, là vợ chồng nhưng tiền ai người nấy tiêu thì khác gì ở trọ chung nhà. Trong khi, đối với nhân tình, anh có cảm giác mình là điều gì đó to tát, lớn lao, là người đàn ông trụ cột cho cô ấy dựa vào.
Việc tôi suy nghĩ hiện đại, việc tôi mạnh mẽ và độc lập tài phải chăng chính là lí do đẩy cuộc hôn nhân của chúng tôi đến nguy cơ đổ vỡ như thế này?
Hoàng Yến (Hà Nội)
"Tôi cũng từng gặp rất nhiều người phụ nữ mạnh mẽ, kiếm tiền tốt và độc lập tài chính nhưng đa số họ lại có mẫu số chung là không hạnh phúc trong hôn nhân.
Vợ và chồng ngoài chuyện tiền bạc còn rất nhiều mối quan hệ chung mà chúng ta không thể rạch ròi như chuyện đầu tư cho con cái, phụng dưỡng bố mẹ. Sống hiện đại là rất tốt nhưng không thể sống như một con robot sằng phẳng với mọi thứ đều “cưa đôi”.
Điều đó sẽ phá vỡ cảm giác yêu và được yêu, cảm giác che chở cho nhau mà vợ chồng cần phải có. Bản năng của một người đàn ông là thường không bao giờ muốn lép vế trước vợ, luôn muốn mình là một người lớn lao có thể che chở cho vợ con cả đời.
Tôi hay nói vui rằng, phụ nữ mạnh mẽ quá cũng không tốt, đôi khi phụ nữ hãy tỏ ra mềm yếu một chút để đàn ông có cơ hội che chở cho mình. Điều đó sẽ giúp cả hai lấy lại được cảm xúc khi yêu” - chuyên gia Nguyễn Phương Anh chia sẻ.