Giá dầu xuống 30 USD, ngân sách bị ảnh hưởng thế nào?
Tại tọa đàm Biến động giá dầu và tác động đến kinh tế Việt Nam diễn ra sáng 6/2, TS. Lương Văn Khôi – Trưởng ban kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia đã đưa ra ba kịch bản kinh tế Việt Nam ảnh hưởng từ giá dầu thế giới.
Ở kịch bản giá dầu 50 USD/thùng, tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,48%, xuất khẩu tăng thêm 2,9%; nhập khẩu tăng 1,83%. Lạm phát theo đó giảm 1,14%, thu thuế của Chính phủ giảm 6.656 tỷ đồng và dự trữ ngoại hối giảm 1,04 tỷ đồng.
Kịch bản giá dầu 40 USD/thùng, GDP sẽ tăng thêm 0,61%, xuất khẩu tăng thêm 3,44%, nhập khẩu tăng 2,15% lạm phát giảm 1,11%, thu thuế của Chính phủ sẽ giảm 7.643 tỷ đồng và dự trữ ngoại hối sẽ giảm 1,12 tỷ đồng.
Giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn "dập dình" buộc các nước lên kịch bản để đối phó Ảnh: Internet |
Kịch bản 3 giá dầu giảm xuống mức 30 USD/thùng, GDP sẽ tăng thêm 0,75%, xuất khẩu tăng thêm 4,01%, nhập khẩu tăng 2,48% lạm phát giảm 1,07%, thu thuế của Chính phủ sẽ giảm 8.663 tỷ đồng và dự trữ ngoại hối sẽ giảm 1,45 tỷ đồng.
Theo TS. Lương Văn Khôi, giá dầu giảm có tác động hai chiều, cả tích cực và tiêu cực tới nền kinh tế. Xét về tổng thể, việc giá dầu giảm tác động tới nền kinh tế không quá nhiều. Dù ở kịch bản nào thì cũng chỉ khiến ngân sách giảm thu dưới 10.000 tỷ đồng, ngân sách hoàn toàn có thể cân đối được.
“Nếu không có biến động cú sốc giá dầu quá lớn thì tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 sẽ đạt 5,5%, lạm phát chỉ ở mức 2,7% và dự trữ ngoại hối sẽ đạt 37 tỷ USD”- TS. Lương Văn Khôi nêu quan điểm.
Ông Khôi cũng kiến nghị, để tránh cú sốc lớn từ giá dầu giảm, năm 2015 NHNN nên nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm tiếp lãi suất cho vay. Đồng thời, ở phía chính sách tài khóa Bộ Tài chính có thể tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) với mặt hàng này.
Cho rằng, việc đưa ra 3 kịch bản đối phó với giá dầu giảm là khá sát thực tế, song TS. Nguyễn Ngọc Tuyến – Viện trưởng Viện kinh tế tài chính (Bộ Tài chính) phản bác kiến nghị tăng thuế VAT. Bởi lẽ, thuế suất đã được quy định “cứng” trong luật, muốn sửa luật thì rất lâu, tốn thời gian.
Ở góc nhìn của nhà phân tích thống kê, bà Vũ Thị Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê (Tổng cục Thống kê) tỏ ra tiếc khi 3 kịch bản về giá dầu đưa ra không được tính toán dựa trên giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Theo bà Ngọc, muốn tính toán “chuẩn” sự tác động của việc giá dầu giảm với nền kinh tế, vào chi phí sản xuất, hay giá đầu vào các ngành hàng khác… thì phải “soi” từ tác động giảm giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu tại thị trường trong nước, chứ không thể lấy luận cứ so sánh là giá dầu trên thị trường thế giới. Còn nếu tính toán như kịch bản đưa ra thì chỉ mới là tác động tới ngân sách Nhà nước, chứ chưa tính toán được sự ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Bà Ngọc cũng không đồng tình với quan điểm đưa ra là nếu NHNN giảm tiếp lãi suất cho vay sẽ dẫn tới tăng lạm phát. Vì giảm lãi suất cho vay sẽ giảm giá thành, giảm chi phí DN chứ không thể tác động làm tăng giá, như thế lạm phát sẽ giảm.