Gặp nhạc sỹ xuyên Việt xin 100 ngàn chữ ký gửi chiến sỹ biên cương, hải đảo
Nhạc sĩ Đỗ Lập, 71 tuổi, đang tiếp tục cuộc “Hành trình xuyên Việt - chung sức một lòng hướng về biển Đông" (Ảnh NVCC) |
Đó là tâm sự của người nhạc sỹ Đỗ Lập (quê ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), người đang thực hiện chuyến hành trình xuyên Việt lần thứ 2 trong cuộc đời để xin chữ ký người dân khắp mọi miền đất nước gửi đến đồng bào, chiến sỹ nơi biên cương, hải đảo của Tổ quốc đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương.
Nồng cháy tình yêu biển đảo quê hương
Một buổi chiều cuối tháng 2, tôi gặp nhạc sỹ Đỗ Lập ở một quán cà phê vỉa hè khi ông đang rong ruổi trên hành trình thắp lửa tình yêu biển đảo quê hương.
Ông tâm sự, cuộc đời 71 năm có lẻ của ông chỉ mong làm được những việc có ích, có lợi cho anh em, bạn bè, cho non sông đất nước. Và quả thật, trong cuộc đời này, trên đất nước này, hiếm tìm thấy một người nào đã bước qua tuổi thất thập vẫn hiên ngang thực hiện hai lần xuyên Việt trên chiếc xe honda cũ nhằm những mục đích ý nghĩa, thiêng liêng như ông.
Tôi không nói nhiều về chuyến phượt đầu tiên của ông (bắt đầu từ tháng 3/2010 kết thúc vào 5/2010), bởi câu chuyện đã có độ lùi của thời gian. Chuyến “phượt” lần thứ 2 xin chữ ký nhân dân khắp mọi miền đất nước gửi đến đồng bào chiến sỹ nơi biên cương, hải đảo của tổ quốc, bắt đầu từ ngày 22/12/2014 đến nay vẫn chưa kết thúc là một câu chuyện vừa mang tính thời sự, vừa là một bản trường ca yêu nước.
Người nhạc sĩ say xưa hát nhạc, thổi tình yêu quê hương, biển đảo với bạn trẻ |
Xuất phát từ trường THCS Phan Văn Trị, tỉnh Hậu Giang, người nhạc sỹ với dáng vẻ gầy gò, tóc điểm hoa râm đã đi qua tất cả 63 tỉnh thành và đã xin được hơn 80 ngàn chữ ký, tập hợp trong 10 cuốn bút tích mang tên “Hành trình xuyên Việt -chung sức một lòng hướng về biển Đông”, nhưng ông vẫn chưa muốn dừng lại.
Ông đang ấp ủ dự định thực hiện thêm một chuyến hành trình ngược ra Bắc, đến ngày 2-9-2017 sẽ kết thúc cuộc hành trình xin chữ ký. Sau đó ông sẽ đóng tập cẩn thận cuốn bút tích “Hành trình xuyên Việt - chung sức một lòng hướng về biển Đông” với khoảng 100 ngàn chữ ký, bản gốc sẽ đặt tại Bảo lịch sử quốc gia Việt Nam, còn bản sao ông sẽ gửi đến đồng bào chiến sỹ nơi biên cương, hải đảo của Tổ quốc, tiếp thêm động lực giúp họ bám biển, giữ đảo.
Thành quả ấy kể ra đây chỉ vài dòng, nhưng để có được nó, nhạc sỹ Đỗ Lập đã mất gần 3 năm trời rong ruổi trên chiếc xe honda cũ đến khắp mọi miền của tổ quốc, gặp từng người dân để xin chữ ký. Trên chuyến hành trình ấy ông đã gặp không ít trở ngại.
Nhạc sĩ Đỗ Lập giao lưu các em học sinh trên chuyến xuyên Việt (Ảnh NVCC) |
Người nhạc sĩ 71 tuổi, bắt đầu hành trình vạn dặm từ tỉnh Hậu Giang, rồi lấy tỉnh Trà Vinh làm điểm đến tiếp theo. Đi tới mỗi nơi, ông đều xin chữ ký, có người ủng hộ, người lắc đầu.
“Khi gặp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh, nghe tôi trình bày mục đích chuyến hành trình xuyên Việt lần hai của mình họ rất ủng hộ và mọi người đều đồng ý ký tên vào cuốn bút tích “Hành trình xuyên Việt - chung sức một lòng hướng về biển Đông”. Tuy nhiên, khi tôi đến gặp Hội cựu chiến binh, đồng chí Đại tá và là Chủ tịch hội đã khước từ vì lý do không tin mục đích, ý nghĩa trong sáng chuyến đi của tôi”, nhạc sỹ Đỗ Lập tâm sự.
Các bạn sinh viên hưởng ứng nhiệt tình hành trình xuyên Việt của vị nhạc sĩ |
Nặng trĩu kỷ niệm
Vị nhạc sỹ tóc hoa râm muối tiêu kể lại một kỷ niệm: Trên hành trình trở về, tôi đi qua xã Trường Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình), nằm trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Khi đó trời đã nhá nhem tối, xe tôi sắp hết xăng, con đường dài thăm thẳm chỉ toàn núi đồi, sợ có cướp nên tôi khá hoang mang. Đúng lúc ấy, tôi gặp được một anh bộ đội chạy xe ngang qua, anh dừng lại hỏi thăm đôi điều rồi tình nguyện hút xăng từ bình xe mình đổ qua bình xe tôi để tôi vượt qua quãng đường đầy thử thách.
Còn chuyện đi giữa đêm hay mắc võng ngủ lại giữa rừng hay ở những địa danh lịch sử như: Nghĩa trang đồi A1 (Điện Biên), Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo)… là chuyện hết sức bình thường với ông.
Một bạn trẻ chụp ảnh chung với vị nhạc sĩ Đỗ Lập |
Tôi ngạc nhiên hỏi, động lực nào để ông quyết định thực hiện cuộc hành trình đầy gian khổ như thế? Ông trả lời một cách hào sảng, lưu loát như đã được lập trình sẵn: “Xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước, muốn làm được việc gì đó có ích cho đất nước, non sông. Tôi không ngại khó, ngại khổ, không sợ bị người ta thờ ơ hay bảo mình điên, tôi chỉ sợ ngọn lửa tình yêu biển đảo quê hương của người dân Việt Nam không thể chuyển đến đồng bào và chiến sỹ nơi biên cương, hải đảo của Tổ quốc”.
Với tinh thần ấy, người nhạc sỹ già đã viết nên câu chuyện về tình yêu biển đảo quê hương được nhiều người biết đến và dõi theo. Hiện tại đã có hơn 20 phóng sự truyền hình cùng hàng chục bài báo nói về hành trình xuyên Việt vì biển đảo quê hương của ông.
Cũng có nhiều tổ chức, cá nhân muốn hỗ trợ nhạc sỹ Đỗ Lập về mặt tài chính để ông hoàn thiện chuyến hành trình xuyên Việt vì biển đảo quê hương nhưng ông đều từ chối. Nhạc sỹ Đỗ Lập tâm niệm bản thân làm được đến đâu hay đến đó, chứ không muốn làm gợn đục ý nghĩa cao đẹp của chuyến đi.
Cuốn bút tích “Hành trình xuyên Việt - chung sức một lòng hướng về biển Đông” là tài sản của quốc gia.
Nhạc sỹ Đỗ Lập cho biết, cuốn bút tích “Hành trình xuyên Việt - chung sức một lòng hướng về biển Đông” gồm 10 tập chứa đựng khoảng 100 ngàn thông điệp, chữ ký gửi đến các đồng bào chiến sỹ nơi biên cương, hải đảo của tổ quốc là tài sản của quốc gia. Theo nhạc sỹ Đỗ Lập, cuốn bút tích này rất quý, bởi không chỉ về số lượng lớn các chữ ký, mà các chữ ký do ông thu thập được còn đến từ khắp mọi miền đất nước, từ đồng bằng sông nước đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo; gồm nhiều dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam và cả người nước ngoài.