Gặp người lập kỷ lục chụp ảnh các ngôi chợ có tên nhiều nhất Việt Nam
Đó là ông Hồ Đại Phước (sinh năm 1945, ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM) - người lập kỷ lục chụp ảnh các ngôi chợ có tên nhiều nhất Việt Nam.
Lão nhiếp ảnh gia bình dân
Trong căn nhà nhỏ nằm trên đường Âu Cơ (phường 10, quận Bình Tân, TP.HCM), nhiếp ảnh gia Hồ Đại Phước đã dành hết không gian phòng khách để trưng bày các tác phẩm của mình chụp được trong các chuyến đi xuyên Việt.
|
Ấn tượng nhất, ông dành nguyên một kệ tủ để cất giữ hơn 100 cuốn album chứa hơn 20.000 ảnh về chợ. Trong đó, có 2.500 bức ảnh về chợ trên mọi miền quê ở 63 tỉnh thành.
Điều đáng kinh ngạc hơn, với mỗi tấm hình, ông Phước đều ghi chú rõ ràng, tỉ mỉ về ngày tháng mình chụp, vị trí, địa chỉ cụ thể sau tấm hình. Tất cả những nơi ông đến, ông đều chụp hình và được lưu giữ theo từng cuốn album, sắp xếp theo vần A,B,C... khiến người xem phải thán phục.
Chính vì sự công phu đặc biệt có một không hai này, năm 2005, ông đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Người chụp ảnh các ngôi chợ có tên nhiều nhất Việt Nam”.
Bạn bè và người thân thường ví von ông là một nhiếp ảnh gia “bình dân” hay là “ông vua chợ Việt Nam”. Bởi cái thú vui của ông Phước là hằng ngày được cầm máy ảnh rong ruổi trên mọi nẻo đường, miền quê để ghi lại những khoảnh khắc mình đặt chân tới.
Ông Phước sinh ra tại một ngôi làng ở ấp Phú Trung II, xã Phú Thọ Hòa, Gia Định (nay là quận Tân Bình, TP.HCM). Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã biết cách lưu giữ những bức ảnh đen trắng về gia đình và bản thân do người cha mình chụp lại.
Giờ đã ngoài 70 tuổi, ông Phước vẫn giữ đam mê được chụp, lưu giữ lại những hình ảnh trong cuộc sống. Hằng ngày, khi khách đến chơi nhà hay những dịp hội họp, ngồi quán uống cà phê… ông đều mang theo máy ảnh và chụp hình với mục đích ghi lại thật sống động những gì đã xảy ra trong đời mình và cuộc sống xung quanh.
Ông tự hào đến bây giờ, ông sưu tập được 128 cuốn album, mỗi cuốn chứa 300 ảnh chụp về cuộc sống thường ngày với những người bạn, người thân mà ông gặp trong cuộc đời.
Lão nhiếp ảnh gia mê chụp chợ
Tập sách được ông ghi chú và sắp xếp các chợ theo tỉnh, thành. |
Ông kể, trước đây, ông cũng chỉ chụp về phong cảnh như những dòng suối, con sông, cảnh vật hữu tình hoặc con người xung quanh… “Nhưng đến năm 1993, một lần tôi cùng gia đình nhỏ của mình dạo quanh chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) và chụp hình lưu lại những khoảnh khắc, kỷ niệm cùng với các con, thấy khung cảnh buổi chợ vô cùng thú vị và cuốn hút”, ông Phước chia sẻ.
Cũng chính từ đó, ông suy nghĩ: “Chợ chính là nơi gắn bó với đời sống của mỗi người dân từ nông thôn đến thành thị, thậm chí ở những vùng núi xa xôi. Đồng thời, tên mỗi chợ đều gắn liền với một địa danh và phản ánh chân thực về cuộc sống cũng như nếp sinh hoạt của con người nơi đó”.
Và ông lên ý tưởng thực hiện một album ảnh về các chợ. Những năm đầu tiên, ông đã chụp được trên 200 ngôi chợ tại TP.HCM. Rồi một mình ông lang thang đi rong ruổi qua các tỉnh lân cận Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước... Càng đi, bộ sưu tập ảnh về chợ ngày một nhiều lên.
Ông kể: “Đến bất kỳ đâu, điều đầu tiên tôi tìm kiếm là chợ. Phải chụp hết những ngôi chợ mình đã đi qua tôi mới cảm thấy thoải mái, thoả niềm đam mê”.
Cũng chính từ niềm đam mê, ông vô tình phát hiện ra có không ít chợ trên khắp đất nước trùng tên với nhau. Như chợ Tân Bình không chỉ có ở Sài Gòn mà còn nằm rải rác ở 6 tỉnh, thành khác; tên Tân An cũng có 8 chợ dùng… Hoặc rất nhiều chợ lấy chữ bà, ông làm đầu như chợ Bà Bầu, Bà Chổi, Ông Phước, Ông Tạo, Ông Trịnh…
Ông cũng tự hào chia sẻ rằng ông đã chụp được 5 ngôi chợ tiêu biểu cho 5 vùng miền của đất nước. Đó là: chợ Lũng Cú (Hà Giang), chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Đông Ba (Huế), chợ Bến Thành (TP.HCM) và chợ Đất Mũi (Cà Mau). “Những bức ảnh này tuy nhỏ, đơn giản nhưng nó mang giá trị rất lớn về mặt tinh thần. Cả đời mình dành trọn niềm vui cho việc chụp ảnh những cái chợ, nên đây là thứ quý”, ông Phước chia sẻ.
Dù nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông Phước vẫn chưa có ý định ngừng đi sưu tập ảnh về chợ ở Việt Nam. “Dù đã có tuổi và sức khỏe không còn được như xưa nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ ước mơ chụp ảnh các chợ”, ông Phước khẳng định.