Gặp người được ví là “bản đồ sống” đánh Mỹ
3 lần bắn cháy máy bay Mỹ
Năm 10 tuổi, cậu bé Trần Văn Tâm với sự nhanh nhẹn, thông minh nên đã được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ làm liên lạc đưa thư với cơ sở cách mạng đang hoạt động trong lòng địch. Qua 7 năm làm liên lạc liên lạc, từ cậu bé đưa tin, Trần Văn Tâm đã thành một thanh niên ga dạ và có bản lĩnh nên được giao làm xã đội trưởng, đội trưởng đội công tác vùng địch của huyện Núi Thành lãnh đạo hơn 100 thanh niên để tăng cường chuẩn bị chiến đấu.
Ảnh 1: Ông Trần Văn Tâm giới thiệu tấm bản đồ |
Trong câu chuyện nói với chúng tôi, khi được nhắc đến chiến công 3 lần bắn cháy máy bay Mỹ diệt hàng trăm tên địch, mắt ông Tâm như ánh lên niềm tự hào. Trầm ngâm giây lát như hồi tưởng lại quá khứ, ông kể: “Suốt cuộc đời sẽ chẳng bao giờ quên được những giây phút đó. Năm 1967, khi đó tôi đang trên đường từ cơ sở về thì phát hiện có máy bay địch đang rà sát ngọn tre để chuẩn bị đổ quân. Sẵn có khẩu Ga-răng M1 trong tay, tôi ngắm bắn liên tục hơn chục phát thì chiếc 1HV-1B bốc cháy rơi tại ngõ nhà bà Thời. Lần thứ hai là đầu năm 1970, tôi đang trong nhà thì quan sát từ xa có máy bay địch tiến tới, trong lúc ấy chẳng suy nghĩ nhiều, tôi liền vội lấy khẩu AK chạy ra ngắm bắn nhiều phát rơi chiếc 1HV-1A ngay tại cầu Ri. Lần cuối vào năm 1971, trên đường đi từ huyện ủy về tới thôn 5 thì tôi phát hiện chiếc 1HV-1A bay tầm thấp, tôi lăn dài dưới ruộng dùng khẩu Ga-răng M1 ngắm bắn rơi tại đồi tranh ông Tú.”
Không chỉ 3 lần bắn rơi máy bay, chúng tôi còn được biết qua lời kể của những cựu chiến binh xã Tam Trà, trong thời gian từ năm 1970 - 1971, ông Tâm đã dùng mìn tự tạo cùng đồng đội đánh nhiều xe tăng bọc thép khi trên đường đi do thám, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Như để minh chứng, ông Tâm lục tìm ngăn tủ trong nhà lấy ra 3 huy hiệu “Dũng sĩ bắn máy bay” cùng nhiều huân, huy chương khác cao quý được Đảng và nhà nước phong tặng.
Vẽ sơ đồ để đánh giặc
Ông Tâm cho biết, thời gian còn đưa thư liên lạc, nhiều lần phải vượt đường rừng đã cho ông khả năng nhớ rõ những con đường an toàn và cả vị trí địch đóng quân. Chính vì thế ông Tâm đã tự tay mình vẽ lấy một bản đồ nhỏ có kích thước một trang giấy trắng bằng cây bút kim tinh. Chính nhờ tấm bản đồ ấy, ông Tâm và đồng đội đánh úp nhiều lần bất ngờ vào các đồn bốt để tiêu diệt gọn địch. Qua mỗi trận thắng, mỗi chuyến tự mình đi dò thám lại đã cho ông Tâm hoàn thiện thêm tấm bản đồ quân sự của mình.
Ảnh 2 : Tấm bản đồ do chính ông Trần Văn Tâm vẽ |
Đến năm 2004, do không có điều kiện cất giữ, mực bút kim tinh đã lem làm tấm bản đồ gần như bị hỏng khiến ông Tâm rất trăn trở vì sự mất mát lớn nếu không lưu lại được cho thế hệ sau này. Quyết tâm sẽ vẽ lại nên ông Tâm liên lạc với Ban chỉ huy quân sự đang đóng quân trên địa bàn xin một khổ giấy A1 có kẻ ca rô để thực hiện tâm nguyện của mình. Ông Tâm chia sẻ: “Để có thời bình hôm nay trên vùng đất Kỳ Trà, biết bao nhiêu cha anh, đồng đội đã ngã xuống. Tôi muốn vẽ lại tấm bản đồ để cho thế hệ sau này biết được lịch sử mà nhớ ơn, noi gương học tập.”
Để hoàn thành tấm bản đồ, ông Tâm đã mất hơn 4 ngày mày mò, cặm cụi với cây bút và tấm giấy vẽ ca rô. Trước đó, để chính xác trong từng chi tiết chú thích, đường biên của các địa điểm, ông Tâm đã tự mình tìm về lại chiến trường xưa để thực địa. Sau khi vẽ xong, ông Tâm tìm đến các đồng đội cùng chiến đấu năm xưa để cùng góp ý, nhận xét cho tấm bản đồ hoàn thiện.
Vào ngày giải phóng quê hương Tam Trà (24/3), ngày Quốc khánh (2/9) và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) hằng năm, ông Tâm đem tấm bản đồ đến họp mặt những đồng đội chiến đấu năm xưa để cùng bàn luận, ôn lại kỉ niệm chiến đấu. Và mỗi tuần một lần, ông Tâm lại đến các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn để xin được lên lớp dạy về lịch sử quê hương Kỳ Trà cho các cháu học sinh biết về lịch sử quê hương mình.
Chúng tôi còn được biết, chính nhờ sự chỉ dẫn của ông Tâm mà nhiều hài cốt các đồng chí hi sinh trên khắp địa bàn huyện Núi Thành được tìm thấy. Khi có gia đình nào tìm đến hỏi thăm, ông Tâm lại tận tình cùng lên đường để tìm giúp mà không quản ngại khó khăn. Bởi không ai hiểu từng ngóc nghách của núi rừng nơi đây như ông. Vì những lí do đó, ông Tâm được người dân khắp nơi ví là “bản đồ sống” đánh Mỹ.