Gần 1000 người Việt cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước
Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, những người nước ngoài (bao gồm cả lao động) cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, nếu tự nguyện về nước trong thời gian từ ngày 01/10/2018 đến ngày 31/3/2019 thì sẽ không bị hạn chế tái nhập cảnh vào Hàn Quốc.
Hàn Quốc thi hành chế độ đặc biệt cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện hồi hương. Ảnh minh họa. Nguồn Báo Đầu Tư |
Đối với những trường hợp không tự nguyện hồi hương mà bị phát hiện trong lúc truy bắt sẽ bị trục xuất khỏi Hàn Quốc, bị hạn chế nhập cảnh Hàn Quốc tối đa 10 năm và sẽ bị liệt vào danh sách để thông báo cho chính phủ nước nhà.
Những lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp trong ngành xây dựng sẽ bị trục xuất ngay cho dù vẫn còn thời hạn cư trú (áp dụng với cả những trường hợp vi phạm lần đầu).
Chính phủ Hàn Quốc sẽ truy bắt và xử phạt nặng đối với những người chủ sử dụng lao động bất hợp pháp trong ngành xây dựng và các công việc chiếm cơ hội việc làm của người Hàn, những công việc gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục như kinh doanh giải trí không lành mạnh, kinh doanh massage.
Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ sử dụng nhiều biện pháp mạnh để hạn chế số người làm việc bất hợp pháp trong ngành xây dựng như: Phạt nặng cá nhân và công ty môi giới việc làm vi phạm; Công khai danh sách công ty vi phạm; Xem xét hạn chế cấp thị thực nhập cảnh ngắn ngày (dưới 3 tháng) lặp lại nhiều lần cho một cá nhân.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2018, phía Hàn Quốc đồng ý tiếp nhận 7.900 hồ sơ lao động Việt Nam. Trong đó có 6.300 hồ sơ lao động thuộc lĩnh vực sản xuất chế tạo và 1.600 hồ sơ lao động thuộc lĩnh vực ngư nghiệp.
Còn tính đến cuối tháng 6/2018, báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và thống kê của các cơ quan chức năng của Hàn Quốc, số lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm (EPS) là 38.331 người; số thuyền viên tàu cá gần bờ là 7.067 người và số lao động chuyên môn kỹ thuật (visa E7) là 1.788 người.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2018, số người Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước là 988 người, số người bị bắt và trục xuất về nước là 518 người.
Để giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn và tự nguyện về nước được tổ chức tại cả Việt Nam và Hàn Quốc.
Tại nhiều địa phương như Thanh Hóa, Phú Thọ, Nghệ An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động người lao động tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn. Chưa dừng lại, cục sẽ tổ chức các hội nghị này tại các huyện, xã, nơi có nhiều lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
Theo quy định, mỗi năm Hàn Quốc sẽ đưa ra một con số lao động dự kiến để Việt Nam chủ động tuyển lao động và làm hồ sơ để lao động có thể chính thức sang làm việc tại Hàn Quốc vào năm sau đó.
Để được tiếp nhận chính thức, người lao động phải vượt qua kỳ thi tiếng Hàn. Chính vì vậy, hằng năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều phối hợp với các địa phương tổ chức tiếp nhận người đăng ký dự thi tiếng Hàn cho lao động lĩnh vực sản xuất chế tạo và ngư nghiệp. Riêng lĩnh vực ngư nghiệp, ngoài kỳ thi tiếng Hàn, lao động phải trải qua kiểm tra tay nghề, đánh giá năng lực từ 3-7/11.
Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) ưu tiên hỗ trợ lao động là đối tượng chính sách tham dự kỳ thi ngành ngư nghiệp và những lao động thuộc đối tượng quy định tại Tiểu dự án 4, dự án 1 quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 sẽ được hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn trước khi thi. |