Gần 100 viên sỏi trong mật người phụ nữ 30 tuổi
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao, vàng da.
Nhiều tuần qua, chị G.A.X. (30 tuổi) xuất hiện cơn đau bụng nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên không đi khám. Khi chị X. có các triệu chứng vàng da, sốt cao, rét run mới được người nhà đưa vào viện.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Mạnh Chiến, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, bệnh nhân X. đã được cấp cứu nhanh chóng. Qua kết quả cận lâm sàng chẩn đoán chị X. bị thấm mật phúc mạc do sỏi trong và ngoài gan. Đây là biến chứng nặng của sỏi đường mật. Các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật mở ống mật chủ lấy sỏi và nội soi ống mềm lấy sỏi trong gan.
Trong quá trình phẫu thuật, gần 100 viên sỏi đường mật trong và ngoài gan đã được lấy ra. Bác sĩ Chiến cho biết số lượng sỏi nhiều gây giãn và chật kín đường mật, viên sỏi kích thước lớn nhất đạt gần 3cm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chăm sóc tích cực và đã ra viện sau 9 ngày điều trị.
Sỏi mật là một bệnh về đường tiêu hóa do sự hình thành sỏi trong túi mật gây ra. Đây là một bệnh lý thường gặp, có khoảng 20% dân số trên thế giới từng mắc phải. Ở Việt Nam, sỏi mật chủ yếu gặp ở đường mật chính, trong đó sỏi trong gan chiếm tỉ lệ 20-56%. Có khoảng 20% dân số sẽ phát triển sỏi mật trong cuộc đời, trong đó có 20-30% phát triển thành các triệu chứng bệnh.
Dấu hiệu của sỏi mật là đau hạ sườn phải, sốt, ớn lạnh, rối loạn tiêu hóa, vàng da. Khi có những triệu chứng đau kéo dài ở vùng mạn sườn phải, đau âm ỉ hoặc dữ dội lan ra sau lưng hoặc vùng thượng vị, sốt cao, vàng da, nước tiểu vàng… là lúc bệnh sỏi mật gây biến chứng nặng.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống sôi, tẩy giun định kỳ 6 tháng tới 1 năm. Khi phát hiện sỏi mật, polyp túi mật và bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám sớm.
Phương Thúy