Facebook trả 20 USD/tháng để theo dõi điện thoại người dùng
Theo trang tin công nghệ TechCrunch, Facebook trả cho người dùng tối đa 20 USD/tháng để theo dõi điện thoại, dữ liệu và ứng dụng họ đang sử dụng. Báo cáo của TechCrunch tiếp tục làm dấy lên các lo ngại mới về cách tiếp cận đối với quyền riêng tư người dùng của gã khổng lồ mạng xã hội.
Chương trình Project Atlas của Facebook đề nghị người dùng Android và iOS cài ứng dụng Facebook Research. Theo chuyên gia bảo mật Will Strafach, nó khá giống với ứng dụng VPN gây tranh cãi trước đây của hãng là Onavo và chia sẻ nhiều mã giống nhau. Trong quá khứ, Apple đã cấm Onavo trên kho ứng dụng App Store vì vi phạm chính sách quyền riêng tư. Dù vậy, Facebook đã lách luật bằng cách cung cấp Facebook Protect trực tiếp cho người dùng thông qua chương trình Apple dành cho các công ty muốn đưa ra ứng dụng tùy chỉnh cho nhân viên riêng.
Như TechCrunch chỉ ra, hành động của Facebook khi phát hành ứng dụng tương tự Onavo có thể khiến quan hệ giữa Facebook và Apple càng thêm căng thẳng. Hai ông lớn công nghệ từng đụng độ nhau vì cách tiếp cận với quyền riêng tư người dùng.
Trong khi Apple chưa bình luận gì về bài báo của TechCrunch, người phát ngôn Facebook trả lời với Business Insider rằng họ chưa có kế hoạch chấm dứt Facebook Research. “Cũng như nhiều công ty, chúng tôi mời mọi người tham dự nghiên cứu hỗ trợ chúng tôi tìm ra những thứ có thể làm tốt hơn. Do nghiên cứu này nhằm mục đích giúp Facebook hiểu thêm về cách mọi người sử dụng thiết bị di động, chúng tôi đã cung cấp thông tin toàn diện về loại dữ liệu thu thập và cách họ tham gia như thế nào. Chúng tôi không chia sẻ với người khác và mọi người có thể dừng tham gia bất kỳ lúc nào”.
Facebook cũng bác bỏ luận điểm ứng dụng là phiên bản sao chép ứng dụng Onavo đã bị cấm. Song, mục đích căn bản của chương trình dường như là tìm hiểu sâu hơn về các ứng dụng mà mọi người sử dụng, tương tự với cách họ xử lý dữ liệu thu thập từ Onavo để khai thác dữ liệu giá trị về cách mọi người dùng điện thoại. Ngoài ra, nó cũng đặt câu hỏi về cách Facebook tiếp tục tiếp cận và đánh giá dữ liệu nhạy cảm khi công ty đang nỗ lực phục hồi niềm tin từ người dùng sau hàng loạt bê bối năm 2018.